Điện thoại: (024) 625 707 13
  • Hình ảnh 1
  • Hình ảnh 2
  • Hình ảnh 4
  • Hình ảnh 3

Tòa án xét xử, người bị kết án phạt tù cho hưởng án treo có địa chỉ tại đơn vị hành chính khác, bản án có hiệu lực có ủy thác hay không?

Cập nhật: 20/03/2014
Lượt xem: 770

Tòa án xét xử, người bị kết án phạt tù cho hưởng án treo có địa chỉ tại đơn vị hành chính khác, bản án có hiệu lực có ủy thác hay không?

Bản án số 58/2012/HSST ngày 30/11/2012 của Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh K tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn A, sinh năm 1990, Nơi đăng ký nhân khẩu thường trú tại thôn S, xã V, thành phố M, tỉnh K; (Nơi tạm trú: tổ 1, phường D, thành phố M, tỉnh K) 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 24 tháng, giao bị cáo Nguyễn Văn A cho UBND xã V, thành phố M, tỉnh K giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách. Bản án trên có hiệu lực pháp luật, TAND huyện B, tỉnh K ban hành quyết định uỷ thác thi hành án cho TAND thành phố M, tỉnh K ra quyết định thi hành án. Sau khi nhận được hồ sơ uỷ thác thi hành án, TAND thành phố M tiến hành xác minh về sự có mặt của người bị kết án tại UBND xã V, thành phố M, tỉnh K và phường D, thành phố M, tỉnh K và gia đình người bị kết án. Kết quả được cung cấp Nguyễn Văn A bỏ địa phương và gia đình đi đâu từ tháng 12/2012 hiện không rõ ở đâu, không có địa chỉ. Căn cứ kết quả xác minh TAND thành phố M, tỉnh K căn cứ vào tiểu mục d.2 Nghị quyết số 02/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của TANDTC để trả lại hồ sơ ủy thác cho TAND huyện B, tỉnh K.

Nhận định:

Thứ nhất: TAND huyện B xét xử giao cho Ủy ban nhân dân xã V, thành phố M, tỉnh K giám sát giáo dục bị án Nguyễn Văn A trong thời gian thử thách là đúng quy định của pháp luật vì khoản 2 Điều 60 Bộ luật Hình sự quy định: Trong thời gian thử thách, Toà án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú để giám sát và giáo dục...” vì Nguyễn Văn A có đăng ký HKTT tại thôn S, xã V, thành phố M, tỉnh K.   

Thứ hai: TAND thành phố M sau khi nhận hồ sơ ủy thác thi hành án của TAND huyện B, trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được quyết định ủy thác thi hành án hình sự TAND thành phố M chưa ban hành quyết định thi hành án treo đối với người bị kết án Nguyễn Văn A mà đã đi xác minh về việc có mặt của người bị kết án tại địa phương hay không là trái với điểm d và điểm e tiểu mục 2.1 mục 2 Phần I Nghị quyết 02/2007/NQ-HĐTP, việc xác minh là nhiệm vụ của cơ quan Công an, không có quy định nào yêu cầu Tòa án được ủy thác phải đi xác minh trước khi ra quyết định thi hành án. Ở đây văn bản thể hiện Tòa án nhân dân thành phố M nhận được hồ sơ ủy thác thi hành án của TAND huyện B vào ngày 27/12/2012, ngày 02; 03; 07/1/2013 TAND thành phố M đi xác minh, Ngày 09/01/2013 TAND thành phố M ban hành công văn trả hồ sơ ủy thác với nội dung: Qua xác minh tại chính quyền địa phương cùng cấp cho TAND thành phố M hiện không biết người bị kết án Nguyễn Văn A đang ở đâu. Việc Tòa án thành phố M, tỉnh K đi xác minh chứ không phải cơ quan Công an thành phố M thông báo cho Tòa án M biết việc người bị kết án không có mặt ở địa phương và Tòa án M căn cứ điểm d.2 tiểu mục 2.1 mục 2 phần I Nghị quyết 02/2007/NG-HĐTP trả hồ sơ ủy thác cho Tòa án B như trên đã thực hiện đúng theo hướng dẫn của nghị quyết hay chưa?

Điểm d tiểu mục 2.1 quy định: trong trường hợp Tòa án được ủy thác đã ra quyết định thi hành án và được cơ quan Công an thông báo là người bị kết án đã chuyển đi địa bàn hành chính khác thì trả lại hồ sơ ủy thác cho Tòa án đã ủy thác và được giải quyết như sau:

d.1 Trường hợp Tòa án được ủy thác biết được địa chỉ của người bị kết án ở địa bàn hành chính khác thì thông báo cho Tòa án đã ủy thác để Tòa án đã ủy thác thực hiện việc ủy thác cho Tòa án nơi người bị kết án đang cư trú.

d.2 Trường hợp Tòa án được ủy thác không biết địa chỉ của người bị kết án thì thông báo bằng văn bản cho Tòa án đã ủy thác biết để Tòa án đã ủy thác thực hiện việc ra quyết định thi hành án và yêu cầu cơ quan Công an ra quyết định truy nã người bị kết án như trường hợp được hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 2.2 Phần I. (theo tôi tiểu mục này chỉ áp dụng cho án phạt tù giam; người bị kết án được hưởng án treo không thuộc đối tượng truy nã theo điều 10 của thông tư liên tịch số 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 09/10/2012). Tại điểm d.2 có chỗ nào quy định Tòa án được ủy thác không biết địa chỉ của người bị kết án thì trả lại hồ sơ ủy thác cho Tòa án đã ủy thác hay không?

Quan điểm của tôi là TAND thành phố M áp dụng các tiểu mục viện dẫn ở trên để trả hồ sơ ủy thác để Tòa án B ra quyết định thi hành án là sai. TAND huyện B ra quyết định thi hành án đối với người bị kết án có nơi đăng ký nhân khẩu thường trú thuộc địa bàn thành phố M có hợp lý không? địa bàn thành phố M có thuộc quyền quản lý và thực thi của cơ quan thi hành án hình sự huyện B không? văn bản hướng dẫn của TANDTC hướng dẫn đối với trường hợp người bị kết án tù đang tại ngoại, người bị kết án tù cho hưởng án treo có nơi thường trú khác đơn vị hành chính của Tòa án xét xử, khi bản án có hiệu lực pháp luật thì ủy thác cho Tòa án nơi người bị kết án đang cư trú ra quyết định thi hành án đối với người bị kết án.

Trước khi cùng bạn đọc trao đổi, tôi vẫn khẳng định Tòa án nhân dân huyện B ra quyết định ủy thác cho TAND thành phố M ra quyết định thi hành án treo đối với Nguyễn Văn A là hoàn toàn đúng có căn cứ (điểm c.2 tiểu mục 2.1 mục 2 phần I Nghị quyết 02/2007/NG-HĐTP ngày 02/10/2007). 

Điểm c.2 tiểu mục 2.1 mục 2 phần I quy định: “Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án có căn cứ về việc người bị kết án đang cư trú trên địa bàn hành chính khác”. Từ phân tích trên TAND thành phố M phải ra quyết định thi hành án đối với Nguyễn Văn A và yêu cầu cơ quan thi hành án hình sự thành phố M thi hành theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

Do có quan điểm trái chiều là người bị kết án không có mặt ở địa phương nên căn cứ vào tiểu mục d.2 Nghị quyết số 02/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của TANDTC, Tòa án thành phố M trả lại hồ sơ ủy thác cho TAND huyện B, tỉnh K là hoàn toàn đúng.

Tôi rất mong bạn đọc cùng trao đổi.

2/ Người bị kết án tù, thời hạn tù bằng hoặc ngắn hơn thời hạn đã tạm giam, Hội đồng xét xử đã tuyên trả tự do ngay cho bị cáo tại phiên tòa, khi bản án có hiệu lực pháp luật Tòa án có phải ra quyết định thi hành án phạt tù nữa hay không?

TAND huyện B xét xử Nguyễn Văn A, sinh năm 1991 về tội trộm cắp tài sản. Quá trình nghiên cứu hồ sơ do bị cáo khi phạm tội trong độ tuổi chưa thành niên, tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa thật thà khai báo, phạm tội lần đầu, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, tài sản xâm phạm không lớn đã bồi thường đủ cho người bị hại, gia đình người bị hại có đơn xim giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo 3 tháng 8 ngày và tuyên trả tự do cho bị cáo tại phiên tòa. Bản án có hiệu lực pháp luật.

Đối với những bản án khác thì không bàn gì. Nhưng bản án nay có 2 loại ý kiến trái chiều nhau.

- Vẫn ra quyết định thi hành án phạt tù.(áp dụng theo quy định tại điều 2 LTHAHS và Điều 255 BLTTHS)

- Không phải ra quyết định thi hành án.

Quan điểm của tôi: Không phải ra quyết định thi hành án hình sự.

Vì theo tinh thần điều 255 BLTTHS và điều 2 LTHAHS thì trong trường hợp bị cáo đang bị tạm giam mà cấp sơ thẩm quyết định đình chỉ vụ án, không kết tội, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt cho bị cáo, hình phạt không phải là tù giam hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo hoặc thời hạn tù bằng hoặc ngắn hơn thời hạn đã tạm giam thì bản án hoặc quyết định của Tòa án được thi hành ngay, mặc dù vẫn có thể bị kháng nghị, kháng cáo.

Ở đây trường hợp phạt tù nhưng cho hưởng án treo thì khi bản án có hiệu lực pháp luật Tòa án vẫn phải ra quyết định thi hành án bởi nó còn liên quan đến thời gian thử thách.

Việc trả tự do căn cứ vào Bản án, Quyết định do của Tòa án để thi hành, trường hợp này được coi như là bị cáo đã chấp hành xong án phạt. Đối với trường hợp người bị kết án thời hạn tù bằng thời hạn tạm giam, đã có quyết định trả tự do cho bị cáo đương nhiên bị cáo đã chấp hành xong hình phạt nếu bản án không kháng cáo, kháng nghị. Cụ thể trường hợp này bản án không có kháng nghị, kháng cáo, bản án có hiệu lực thì khoảng thời gian bị cáo chấp hành xong cũng đã chính thức được pháp luật công nhận. Vậy quan điểm trái chiều của một số Tòa án và VKSND đối với trường hợp nêu trên khi bản án có hiệu lực Tòa án vẫn ra quyết định thi hành án thì gửi quyết định thi hành án cho cơ quan nào để thi hành? Bị cáo đã chấp hành xong hình phạt vậy giao quyết định thi hành án cho ai? Ai phải đi chấp hành án nữa? biểu mẫu nào của TANDTC hướng dẫn áp dụng cho trường hợp này?

Từ cách hiểu không thống nhất dẫn đến áp dụng pháp luật sai, xin bạn đọc cùng trao đổi.


Nguồn: Nguyễn Nhung - TAND tỉnh Lào Cai

ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HÀ NỘI
CÔNG TY LUẬT TNHH AN PHÚ
  Add: Trụ sở: Phòng 315, tầng3, Số nhà 33, ngõ 30, phố Hoa Lâm, phường Việt Hưng, quận Long Biên, thành phố Hà Nội
  Phone(024) 625 707 13 – Fax: (024) 625 707 15
VPGD: Số nhà 1 ngõ 5 phố Lý Nhân Tông, khu phố Đền Rồng, Phường Đình Bảng, Thị xã Từ Sơn, Tỉnh Bắc Ninh.
  Phone0967 566 878
  Hotline:  0904.226.799 | 0388.477.456 | 0989.981.169
  Website: http://anphulaw.com
  Email:  luatanphu@gmail.com
CÁC GIẢI THƯỞNG
LIÊN KẾT VỚI CHÚNG TÔI
ĐĂNG KÝ HỖ TRỢ PHÁP LÝ
ĐĂNG KÝ HỦY BỎ
Copyright 2015 anphulaw.com. ALL RIGHTS RESERVED.. Ghi rõ nguồn khi bạn phát hành thông tin từ website này