Điện thoại: (024) 625 707 13
  • Hình ảnh 1
  • Hình ảnh 2
  • Hình ảnh 4
  • Hình ảnh 3

Luật An Phú: Giám đốc thẩm - "Xét" chứ không "xử"

Cập nhật: 29/06/2009
Lượt xem: 770
NCLP: Sau khi đăng bài “Tính công khai của phiên tòa giám đốc thẩm dân sự” của tác giả Mai Ngọc Dương (Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 11 - tháng 6/2009), Tạp chí đã nhận được một số ý kiến phản hồi, trao đổi về bài viết này. Chúng tôi trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Nguyễn Thị Phượng và mong muốn sẽ tiếp tục nhận được các ý kiến trao đổi khác.

1. Luận điểm chủ đạo của tác giả Mai Ngọc Dương trong bài “Tính công khai của phiên tòa giám đốc thẩm dân sự” là phiên tòa giám đốc thẩm dân sự thiếu tính công khai. Tác giả đưa ra ba lý do cho luận điểm này như sau:.

Thứ nhất, tác giả cho rằng phiên tòa giám đốc thẩm được tổ chức như một phiên họp, không giống như một phiên tòa.

Thứ hai, tác giả nhận xét rằng sự tham gia của nguyên đơn, bị đơn dân sự còn hạn chế bởi sự tham gia của những người này, theo luật, là không bắt buộc.

Thứ ba, sự tham gia của người bào chữa trong phiên tòa giám đốc thẩm còn hạn chế bởi những người này cũng như các nguyên đơn, bị đơn, thuộc nhóm “những người tham gia tố tụng” chỉ được Tòa án triệu tập khi thấy cần thiết.

Cuối cùng, tác giả đề xuất bổ sung vào Bộ luật Tố tụng dân sự quy định về hình thức của phiên tòa giám đốc thẩm như sau: “Phiên tòa giám đốc thẩm được mở công khai với sự tham gia của các bên đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; người bào chữa” (1).

2. Chúng tôi xin trao đổi lại với tác giả Mai Ngọc Dương về luận điểm nêu trên. Theo chúng tôi, phiên tòa giám đốc thẩm dân sự không cần mở công khai, không cần quy định bắt buộc phải có sự tham gia của các bên đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người bào chữa. Lý do căn bản của điều này là giám đốc thẩm không phải là một hoạt động xét xử mà là một hoạt động tự kiểm tra trong nội bộ hệ thống tư pháp, nên không cần phải tiến hành công khai. Điều này được chứng minh bởi những lý do sau đây:

Là bản chất của giám đốc thẩm: Bộ luật Tố tụng dân sự quy định tính chất của giám đốc thẩm là: “Giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án” (Điều 282). Nói một cách chính xác, giám đốc thẩm là hoạt động “xét” chứ không “xử”. Giám đốc thẩm được định nghĩa là hoạt động “xem xét”, không được định nghĩa là hoạt động “xử”. Khi nói đến hoạt động giám đốc thẩm, nhà làm luật không dùng khái niệm “xét xử”; ví dụ, người ta không gọi là “xét xử giám đốc thẩm”. Điều này hợp lý về mặt học thuật. Bản chất của hoạt động giám đốc thẩm là xem xét (xét) tính hợp pháp của trong quy trình hành động của nội bộ hệ thống tư pháp, chứ không phải phán quyết (xử) về quyền và nghĩa vụ của đương sự. Chính vì giám đốc thẩm không phải là hoạt động xét xử, thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm chỉ là không chấp nhận kháng nghị, y án hoặc hủy án. Hội đồng giám đốc thẩm không có quyền sửa án, tức ra phán quyết về quyền lợi trực tiếp của đương sự.

Là cơ diễn (nguồn, động cơ diễn ra hành động) của hoạt động giám đốc thẩm: Giám đốc thẩm được tiến hành khi có kháng nghị của các quan chức đứng đầu cơ quan tư pháp cấp tỉnh và cấp tối cao. Như vậy, cơ diễn của hoạt động giám đốc thẩm giới hạn trong nội bộ hệ thống tư pháp, không mở rộng ra đối với dân chúng (người dân không có quyền yêu cầu kháng cáo giám đốc thẩmn), và có mục đích kiểm tra hoạt động tư pháp. Công dân đã có quyền kháng cáo để yêu cầu xét xử phúc thẩm. Còn kháng nghị giám đốc thẩm là hoạt động nội bộ của hệ thống tư pháp để tự kiểm tra mình. Cơ diễn của hành động khởi xuất từ nội bộ nên không nhất thiến hoạt động phát sinh từ cơ diễn đó phải công khai.

Là thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm: chính vì giám đốc thẩm không phải là hoạt động xét xử, thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm chỉ là không chấp nhận kháng nghị, y án, hoặc hủy án. Hội đồng giám đốc thẩm không có quyền sửa án, tức ra phán quyết về quyền lợi trực tiếp của đương sự. Vì hoạt động giám đốc thẩm được thiết để để tòa án cấp trên kiểm tra tính hợp pháp trong hành động của tòa án cấp dưới nên hoạt động này chỉ xem xét khía cạnh áp dụng pháp luật trong hoạt động tố tụng mà không tập trung vào nội dung cụ thể của vụ việc tranh chấp. Do vậy, giám đốc thẩm không phán về nôi dung tranh chấp và chỉ phán về tính hợp pháp của việc áp dụng pháp luật.

Với những lý do nêu trên, giám đốc thẩm thực chất là hoạt động tự giám sát của hệ thống tư pháp. Thủ tục giám đốc thẩm được thiết kế với tính chất như một thủ tục đặc biệt nhằm mục đích để tòa án cấp cao hơn kiểm tra tính hợp pháp trong hành vi của tòa án cấp thấp hơn. Giám đốc thẩm khác về bản chất so với sơ thẩm và phúc thẩm. Sơ thẩm và phúc thẩm là những phiên tòa được mở công khai để tạo điều kiện cho công lý được hiển thị. Nếu sơ thẩm và phúc thẩm là những hoạt động hướng ngoại (hướng về phía người dân, về phía xã hội), thì giám đốc thẩm lại là hoạt động hướng nội (hướng về bản thân hệ thống tư pháp). Sơ thẩm và phúc thẩm tạo điều kiện cho công lý được hiển thị trong xã hội, trong khi giám đốc thẩm bảo đảm cho quá trình tìm kiếm công lý được hợp pháp. Chính vì vậy, về nguyên tắc, hoạt động giám đốc thẩm dân sự tập trung vào việc xem xét quá trình áp dụng pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng, thay vì tập trung vào những nội dụng chi tiết của vụ tranh chấp. Do vậy, khách thể của hoạt động giám đốc thẩm là hành vi của các cơ quan tư pháp, không phải là hành vi của người dân. Giám đốc thẩm là hoạt động xem xét bản án do một Tòa án ban hành, chứ không phải xét xử một vụ án do người dân khiếu kiện.

Tóm lại, giám đốc thẩm không phải là hoạt động xét xử một tranh chấp trong xã hội mà là sự tự kiểm tra của bản thân nội bộ hệ thống tư pháp, nên không cần phải diễn ra công khai trong xã hội như một phiên tòa xét xử với sự tham gia của các đương sự, luật sư. Giám đốc thẩm, với tính chất là sự tự kiểm tra của hệ thống tư pháp, có thể được diễn ra trong nội bộ hệ thống tư pháp, với sự tham gia của các nhân viên tư pháp.

Việc không công khai phiên tòa giám đốc thẩm không mâu thuẫn với nguyên tắc hiến định “Tòa án xét xử công khai”. Theo Hiến pháp, chỉ hoạt động xét xử, tức hoạt động xem xét và ra phán quyết về quyền lợi và nghĩa vụ của đương sự mới phải tiến hành công khai. Giám đốc thẩm là hoạt động kiểm tra nội bộ của ngành tư pháp, không phải là hoạt động xét xử, nên không nhất thiết phải công khai. Vì vậy, việc không tổ chức công khai phiên tòa giám đốc thẩm là hợp hiến.

Việc không công khai phiên tòa giám đốc thẩm cũng không ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của đương sự, vì thứ nhất, đương sự, mặc dù không có quyền kháng cáo theo trình tự giám đốc thẩm (vì đây là hoạt động nội bộ của ngành tư pháp), nhưng có quyền phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật và thông báo bằng văn bản cho những người có quyền kháng nghị; thứ hai, trong trường hợp cần thiết để xác định tính chất bất hợp pháp của các hoạt động tư pháp, tòa án vẫn có thể triệu tập đương sự, luật sư.

Cuối cùng, hoạt động giám đốc thẩm vì không phải là hoạt động xét xử các hành vi vi phạm pháp luật hay tranh chấp trong dân chúng, nên không phải là một hình thức để tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong dân chúng. Vì vậy, việc không mở công khai phiên tòa giám đốc thẩm không ảnh hưởng đến hiệu quả của việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật.

Trên cơ sở xác định bản chất của giám đốc thẩm là hoạt động tự kiểm tra của nội bộ hệ thống tư pháp, có thể dẫn đến một số vấn đề phát sinh như sau: có cần sự giám sát từ phía các cơ quan nhà nước bên ngoài đối với hệ thống tư pháp hay không. Nguyên tắc căn bản của tòa án là độc lập xét xử theo pháp luật. Điều này không có nghĩa là tòa án hoàn toàn không chịu một sự giám sát nào. Thực chất, tòa án đã chịu sự giám sát từ bên ngoài của xã hội thông qua cơ chế phúc thẩm, bào chữa của luật sư. Bên cạnh đó, tòa án cũng có một cơ chế kiểm tra từ bên trong là giám đốc thẩm. Sự kiểm tra tòa án từ phía các ngành quyền lực khác ngoài tòa án dễ có khả năng làm giảm tính độc lập xét xử của tòa án. Viện kiểm sát có lẽ không nên kiểm tra tòa án và quyền yêu cầu kháng nghị giám đốc thẩm chỉ nên trao cho nội bộ ngành tòa án. Ngoài ra, do giám đốc thẩm là một cơ chế tự kiểm tra của tư pháp nên thay vì thiết lập cơ chế giám sát của lập pháp đối với tư pháp, cần có một cơ chế ngược lại: sự giám sát của tư pháp đối với lập pháp.

Nguyễn Thị Phượng - Trung tâm Luật So sánh, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội (Theo NCLP)

 

ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HÀ NỘI
CÔNG TY LUẬT TNHH AN PHÚ
  Add: Trụ sở: Phòng 315, tầng3, Số nhà 33, ngõ 30, phố Hoa Lâm, phường Việt Hưng, quận Long Biên, thành phố Hà Nội
  Phone(024) 625 707 13 – Fax: (024) 625 707 15
VPGD: Số nhà 1 ngõ 5 phố Lý Nhân Tông, khu phố Đền Rồng, Phường Đình Bảng, Thị xã Từ Sơn, Tỉnh Bắc Ninh.
  Phone0967 566 878
  Hotline:  0904.226.799 | 0388.477.456 | 0989.981.169
  Website: http://anphulaw.com
  Email:  luatanphu@gmail.com
CÁC GIẢI THƯỞNG
LIÊN KẾT VỚI CHÚNG TÔI
ĐĂNG KÝ HỖ TRỢ PHÁP LÝ
ĐĂNG KÝ HỦY BỎ
Copyright 2015 anphulaw.com. ALL RIGHTS RESERVED.. Ghi rõ nguồn khi bạn phát hành thông tin từ website này