Điện thoại: (024) 625 707 13
  • Hình ảnh 1
  • Hình ảnh 2
  • Hình ảnh 4
  • Hình ảnh 3

NHỮNG BẤT CẬP VÀ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN CHẾ ĐỊNH ÁN TREO

Cập nhật: 05/02/2019
Lượt xem: 770

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trung Hiền

Phó trưởng Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ

Cử nhân Trần Văn Trung

Viện kiểm sát nhân dân huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng

Tóm tắt: Chế định án treo trong Bộ luật hình sự năm 2015 và văn bản hướng dẫn thi hành có rất nhiều nội dung mới so với trước đây. Tuy nhiên, với quy định hiện tại thì chế định án treo vẫn còn một số hạn chế, bất cập nhất định cần phải tiếp tục hoàn thiện trong công tác lập pháp hình sự trong thời gian tới. Bài viết tác giả đi sâu phân tích quy định của pháp luật về chế định án treo, một số bất cập, từ đó đề xuất kiến nghị hoàn thiện về chế định này trong pháp luật hình sự.

Từ khóa: Án treo; điều kiện áp dụng án treo; thời gian thử thách án treo; cách tình thời điểm bắt đầu thười gian thử thách.

Ngày nhận bài: 20/12/2018; ngày biên tập xong: 24/12/2018; ngày duyệt bài: 05/01/2019. Đăng số 03 năm 2019, ngày 05/02/2019.

 

1. Khái niệm, mục đích và ý nghĩa của án treo

1.1. Khái niệm về án treo

Khoản 1 Điều 65 Bộ luật Hình sự năm 2015 không đưa ra khái niệm thế nào là án treo mà chỉ quy định “Khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật thi hành án hình sự”.

Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 BLHS về án treo quy định “Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù.

Qua đó, có thể thấy án treo có một số đặc điểm như sau:

Thứ nhất, án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện. Điều đó có nghĩa là người được hưởng án treo là người phạm tội phải chịu hình phạt tù có thời hạn nhưng được miễn việc chấp hành hình phạt tù tại trại giam.

Thứ hai, án treo là biện pháp giáo dục trong trường hợp không cần cách ly người phạm tội khỏi cộng đồng khi bị xử phạt tù tương đối nhẹ.

Thứ ba, người được hưởng án treo phải tự cải tạo, dưới sự giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức hoặc chính quyền địa phương trong một thời gian thử thách nhất định do Tòa án ấn định.

1.2 Mục đích và ý nghĩa của án treo

Chế định án treo trong pháp luật hình sự Việt Nam thể hiện tính nhân đạo của nhà nước ta, thể hiện sự khoan hồng và tính ưu việt với mục đích giáo dục người phạm tội. Chế định án treo cho đến nay đã có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đấu tranh phòng ngừa tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ sự bình yên cho xã hội.

Án treo là một bản án giúp cảnh tỉnh, nhắc nhở người phạm tội và cảnh giác đối với những nguời xung quanh, lấy bài học đó để cố gắng kiềm chế những bản năng xấu trong con người họ khi có điều kiện phạm tội[1]. Bên cạnh đó án treo có tác dụng giáo dục, răn đe những người xung quanh nơi người được hưởng án treo làm việc hoặc cư trú; đem lại những hiệu quả cao trong công tác phòng ngừa và chống tội phạm giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội đảm bảo sự ổn định của đời sống chính trị, văn hóa, kinh tế xã hội của đất nước.

2. Quy định pháp luật hình sự hiện hành về án treo

2.1. Điều kiện áp dụng án treo

Thông qua nội dung của án treo được quy định trong pháp luật hình sự hiện hành có thể khẳng định, việc áp dụng biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện cho người bị kết án lúc nào cũng phải thận trọng và xem xét kỹ lưỡng, không thể tùy tiện cho người bị phạt tù được hưởng án treo theo ý chí chủ quan của Hội đồng xét xử phải xem xét những căn cứ và điều kiện cho hưởng án treo một cách toàn diện và chính xác. Để được cho hưởng án treo thì người bị kết án phải thỏa mãn tất cả những điều kiện sau đây:

a. Về mức hình phạt

Theo quy định tại Điều 65 BLHS hiện hành thì căn cứ để xem xét cho người bị kết án được hưởng án treo là phải căn cứ vào mức hình phạt tù và căn cứ về sự không cần thiết bắt chấp hành hình phạt tù đó. Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, thân nhân người phạm tội, và các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Theo đó, chỉ khi xử phạt tù không quá 03 năm thì có thể xem xét cho hưởng án treo mà không phân biệt tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng hay tội đặc biệt nghiêm trọng. Thực tiễn áp dụng cho thấy hầu hết những trường hợp được hưởng án treo chủ yếu là người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội do vô ý, số ít còn lại phạm tội nghiêm trọng, hầu như không có trường hợp nào người phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng lại được hưởng án treo[2].

Tuy nhiên, theo chúng tôi, với quy định “khi xử phạt tù không quá 03 năm” thì có thể được hưởng án treo là chưa hợp lý. Bởi lẽ, với quy định này có thể dẫn đến trường hợp vì có ý định trước là sẽ cho người bị kết án hưởng án treo nên đáng lẽ họ bị xử phạt trên 03 năm tù nhưng lại chỉ ra quyết định mức phạt từ 03 năm tù trở xuống để cho hưởng án treo hoặc ngược lại. Đây là một trong những điểm gây bất cập đối với các quy định về án treo trong BLHS hiện hành. Nhằm khắc phục bất cập trên, Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP đã bổ sung 06 trường hợp không được hưởng án treo, thể hiện được tính nghiêm minh của pháp luật và sự khoan hồng của chính sách pháp luật hình sự đối với tội phạm và người phạm tội; nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tính chất chuyên nghiệp, lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng…

Ngoài ra, điều luật chỉ quy định mức hình phạt tối đa để được hưởng án treo mà không quy định mức tối thiểu. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 38 BLHS thì mức hình phạt thấp nhất để được hưởng án treo đó là 03 tháng tù.

b. Người phạm tội phải có nhân thân tốt

Được coi là có nhân thân tốt nếu ngoài lần phạm tội đang bị xét xử cho hưởng án treo, người phạm tội luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân ở nơi cư trú, nơi làm việc. Đối với người đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích, người bị kết án nhưng đã được xóa án tích, người đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý kỷ luật mà thời gian được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật tính đến ngày phạm tội lần này đã quá 06 tháng, nếu xét thấy tính chất, mức độ của tội phạm mới được thực hiện thuộc trường hợp ít nghiêm trọng hoặc người phạm tội là đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo.

Bên cạnh việc phải có nhân thân tốt thì để được hưởng án treo người bị kết án không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 3 của Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP[3].

Quy định này đã thể hiện rất quyết đoán nguyên tắc nghiêm trị trong pháp luật hình sự Việt Nam.

c. Xét về các tình tiết giảm nhẹ xem xét cho người phạm tội được hưởng án treo

Người được hưởng án treo phải có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (TNHS) trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS hiện hành và không có tình tiết tăng nặng TNHS quy định tại khoản 1 Điều 52. Trường hợp có tình tiết tăng nặng TNHS thì số tình tiết giảm nhẹ TNHS phải nhiều hơn số tình tiết tăng nặng TNHS từ 02 tình tiết trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật. Quy định tại Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP đã thể hiện được sự khoan hồng của chính sách hình sự đối với người phạm tội nếu có tình tiết tăng nặng thì số tình tiết giảm nhẹ phải nhiều hơn từ 02 tình tiết và chỉ cần có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ TNHS theo khoản 1 Điều 51 BLHS hiện hành. Bởi đôi khi, người phạm tội chỉ có 01 tình tiết tăng nặng nhưng có rất nhiều tình tiết giảm nhẹ theo khoản 1, khoản 2 Điều 51 BLHS hiện hành và xét thấy tính chất, mức độ của tội phạm là không đáng kể, họ vẫn có thể được hưởng án treo mặc dù có tình tiết tăng nặng TNHS.

d. Có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định

Người được hưởng án treo phải có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục. Nơi cư trú rõ ràng là nơi tạm trú hoặc thường trú có địa chỉ được xác định cụ thể theo quy định của Luật Cư trú mà người được hưởng án treo về cư trú, sinh sống thường xuyên sau khi được hưởng án treo. Nơi làm việc ổn định là nơi người phạm tội làm việc có thời hạn từ 01 năm trở lên theo hợp đồng lao động hoặc theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Bởi, khi cho người bị kết án được hưởng án treo thì bản án buộc phải tuyên giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục.

d. Xét thấy không cần phải bắt buộc chấp hành hình phạt tù

Khi xem xét cho người bị kết án được hưởng án treo, Tòa án còn phải cân nhắc về khả năng tự cải tạo của họ dưới sự giám sát, giúp đỡ, giáo dục của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cũng như gia đình, người thân, bạn bè, xã hội và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; yêu cầu của công tác đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm của từng loại tội phạm cụ thể trong từng thời kỳ tương ứng, xem có cần phải bắt buộc chấp hành hình phạt tù không. Mặc dù người bị kết án đã hội đủ các căn cứ nêu trên nhưng do yêu cầu công tác đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm để kịp thời răn đe, giáo dục, ngăn chặn, loại tội phạm này trên địa bàn, vì yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương thì có thể không cho người bị kết án hưởng án treo mà cần thiết phải bắt buộc họ chấp hành hình phạt tù và ngược lại.

2.2. Thời gian thử thách của án treo

Theo quy định tại khoản 1 Điều 65 BLHS năm 2015, khi quyết định cho người bị phạt tù được hưởng án treo, Tòa án đồng thời phải ấn định một thời gian thử thách nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Thời gian thử thách của án treo là bắt buộc, giữa thời gian thử thách và mức hình phạt tù có mối tương quan với nhau nhưng vấn đề này không được BLHS quy định cụ thể. Chế định án treo chỉ có ý nghĩa khi tuyên thời gian thử thách hợp lý. Theo quy định tại Điều 65 BLHS thì người bị phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm, Tòa án có thể ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm mà không bị ràng buộc bởi tỷ lệ bao nhiêu tháng, bao nhiêu năm tù thì bị thử thách bao nhiêu năm, mà có thể người phạm tội chỉ bị xử phạt 03 tháng tù nhưng có thể bị thử thách 05 năm và ngược lại[4]. Nhằm khắc phục hạn chế nêu trên, theo hướng dẫn tại Điều 4 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn “Khi cho người phạm tội hưởng án treo, Tòa án phải ấn định thời gian thử thách bằng hai lần mức hình phạt tù, nhưng không được dưới 01 năm và không được quá 05 năm”, đây là quy định được kế thừa từ Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐT ngày 06/11/2013 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Mặt khác, có ý kiến cho rằng, một người bị phạt 01 năm tù nhưng cho hưởng án treo với thời gian thử thách là 02 năm, họ đã thử thách được 01 năm, tức là họ đã chấp hành xong hình phạt tù của án treo. Vấn đề này, có ý kiến cho rằng, buộc người phạm tội phải chấp hành toàn bộ hình phạt tù được hưởng án treo nếu họ phạm tội mới trong thời gian thử thách là không công bằng, lẽ ra người được hưởng án treo phạm tội trong thời gian thử thách được trừ đi thời gian mà họ đã chấp hành. Theo chúng tôi, việc buộc họ phải chấp hành toàn bộ hình phạt tù mà Toà án đã cho họ được hưởng án treo nếu họ phạm tội mới trong thời gian thử thách hoặc cố tình vi phạm từ 02 lần trở lên nghĩa vụ của người được hưởng án treo theo quy định của khoản 5 Điều 65 HLHS năm 2015 là hoàn toàn không có gì bất lợi cho người được hưởng án treo cả, có quy định như vậy thì mới thể hiện được tính nghiêm minh của pháp luật, có như thế mới được gọi là biện pháp miễn chấp hành hình phạt có điều kiện và đã gọi là thử thách thì phải hơn mức “bình thường”.

Quy định ấn định thời gian thử thách được tính bằng hai lần mức hình phạt tù và không được thấp hơn 01 năm, không được cao hơn 05 năm là tương đối phù hợp, bởi lẽ Nhà nước đã miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện thì phải ràng buộc về mặt thời gian thử thách phải dài hơn mức hình phạt tù đã tuyên và mức gấp hai lần là khoản thời gian đủ đảm bảo để người bị kết án nhận thấy sai trái của bản thân, cố gắng sống hoàn lương. Tuy nhiên, Tòa án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách nếu người được hưởng án treo chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của người được hưởng án treo. Ngược lại, trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo phạm tội mới hoặc cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo Điều 56 BLHS hiện hành.

2.3. Cách tính thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách

Thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách không được Bộ luật Hình sự quy định cụ thể, nhưng theo hướng dẫn tại Điều 5 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP quy định năm trường hợp xác định thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách của án treo là được kế thừa toàn bộ quy định tại Điều 4 Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP, cách tính thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn. Bởi Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP đã bổ sung rất đầy đủ về cách tính thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách.

2.4. Điều kiện và mức rút ngắn thời gian thử thách của án treo

Người được hưởng án treo có thể được Tòa án nhân có thẩm quyền quyết định rút ngắn thời gian thử thách của án treo khi có đủ các điều kiện sau: (1) Đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách của án treo; (2) Có nhiều tiến bộ được thể hiện bằng việc trong thời gian thử thách người được hưởng án treo đã chấp hành nghiêm pháp luật, các nghĩa vụ theo Luật Thi hành án hình sự,...; (3) Được Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo đề nghị rút ngắn thời gian thử thách bằng văn bản.

Mỗi năm người được hưởng án treo chỉ được rút ngắn thời gian thử thách một lần từ 01 tháng đến 01 năm và có thể được rút ngắn thời gian thử thách nhiều lần, nhưng phải bảo đảm thực tế chấp hành thời gian thử thách là ba phần tư thời gian thử thách Tòa án đã tuyên. Có ý kiến khác cho rằng, với quy định về điều kiện rút ngắn thời gian thử thách của án treo như trên là chưa đầy đủ như trong trường hợp chưa chấp hành hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại và án phí mà lại được rút ngắn thời gian thử thách là không hợp lý, không thể hiện được nguyên tắc bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành. Theo chúng tôi, quy định trên về điều kiện rút ngắn thời gian thử thách là đầy đủ, bởi lẽ điều kiện người được hưởng án treo chấp hành nghĩa vụ theo Luật thi hành án hình sự là đã hàm chứa nghĩa vụ chấp hành hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại và án phí được quy định tại Điều 64 Luật thi hành án hình sự năm 2010[5].

Trong trường hợp người được hưởng án treo lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và có đủ các điều kiện nêu trên, thì Tòa án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách còn lại. Việc lập công lớn và mắc bệnh hiểm nghèo đã được hướng dẫn cụ thể hơn, chi tiết hơn tại Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP

2.5. Quyết định hình phạt trong trường hợp người được hưởng án treo phạm tội mới trong thời gian thử thách hoặc phạm tội khác trước khi được hưởng án treo

Theo hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao thì trong trường hợp người đang được hưởng án treo mà lại phát hiện trước khi được hưởng án treo họ đã thực hiện một tội phạm khác thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội phạm đó và không tổng hợp hình phạt với bản án cho hưởng án treo. Trong trường hợp này, người phạm tội phải đồng thời chấp hành 02 bản án và việc thi hành án do các cơ quan được giao trách nhiệm thi hành án hình sự phối hợp thực hiện theo quy định của Luật Thi hành án hình sự[6].

Trường hợp người được hưởng án treo phạm tội mới trong thời gian thử thách thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội phạm mới và tổng hợp với hình phạt tù của bản án trước theo quy định tại Điều 55 và Điều 56 của BLHS năm 2015; nếu họ đã bị tạm giam, tạm giữ thì thời gian bị tạm giam, tạm giữ được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù. Khi tổng hợp hình phạt của bản án treo với hình phạt mới theo Điều 56 cần chú ý:

- Nếu người phạm tội mới được miễn hình phạt hoặc bị phạt cảnh cáo thì Tòa án vẫn phải buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt tù của bản án treo trước đó, vì khoản 5 Điều 65 BLHS hiện hành quy định bị cáo phải chấp hành hình phạt của bản án trước.

- Nếu hình phạt mới là hình phạt cải tạo không giam giữ thì quy đổi hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù rồi tổng hợp với hình phạt của bản án treo trước đó.

- Nếu hình phạt mới là hình phạt tiền thì tòa án quyết định buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt của bản án treo trước đó và không tổng hợp với hình phạt tiền của bản án mới mà bị cáo phạm tội trong thời gian thử thách, tức là bị cáo phải chấp hành hình phạt tù của bản án treo, đồng thời phải chấp hành hình phạt tiền của bản án mới.

Tuy nhiên, BLHS hiện hành và Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP không quy định trường hợp nếu hình  phạt mới là hình phạt trục xuất thì phải giải quyết như thế nào. Trong trường hợp này thì cần phải quyết định trong bản án là “sau khi chấp hành xong hình phạt tù của bản án treo thì mới thi hành việc trục xuất bị cáo ra khỏi lãnh thổ Việt Nam”.

2.6. Nội dung bản án tuyên người bị kết án phạt tù được hưởng án treo

Ngoài những nội dung theo quy định tại Điều 260 của Bộ luật Tố tụng hình sự, bản án cho người bị kết án phạt tù được hưởng án treo phải có nội dung về việc tuyên hậu quả của việc vi phạm nghĩa vụ trong thời gian thử thách. Tại khoản 2 Điều 6 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP quy định về việc tuyên hậu quả của việc vi phạm nghĩa vụ trong thời gian thử thách như sau: Trong phần quyết định của bản án cho người phạm tội được hưởng án treo, Tòa án phải tuyên rõ hậu quả của việc vi phạm nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định tại khoản 5 Điều 65 của BLHS, cụ thể như sau: “Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo”. Quy định này hướng dẫn cụ thể cho quy định tại khoản 5 Điều 65 BLHS hiện hành.

Đây là quy định hoàn toàn mới so với các quy định trước đây về án treo, việc quy định bản án phải tuyên rõ hậu quả của việc vi phạm nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định tại khoản 5 Điều 65 BLHS hiện hành nhằm triệt để áp dụng nguyên tắc có lợi cho người bị buộc tội và người buộc tội chỉ có nghĩa vụ chấp hành bản án có hiệu lực pháp luật do tòa án tuyên. Vì thế nếu trong nội dung bản án không tuyên rõ hậu quả của việc cố tình vi phạm nghĩa vụ trong thời gian thử thách sẽ dẫn đến nếu người bị kết án cố tình vi phạm nghĩa vụ thì không thể buộc họ chấp hành phần hình phạt theo quy định tại khoản 5 Điều 65. Với việc bản án không tuyên rõ phần hậu quả của việc vi phạm nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định tại khoản 5 Điều 65 thì theo chúng tôi đây là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có thể dẫn đến việc bản án bị kháng cáo hoặc bị Viện kiểm sát kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm để đảm bảo pháp luật hình sự phải được áp dụng chính xác và nghiêm minh.

3. Bất cập và kiến nghị

Như vậy, có khẳng định rằng án treo là một chế định hoàn toàn mang đậm tính nhân đạo, nhằm thực hiện phương châm nghiêm trị kết hợp với khoan hồng. Tuy nhiên, qua nghiên cứu chế định về án treo trong pháp luật hình sự hiện hành, chúng tôi thấy vẫn còn một số, bất cập, hạn chế như sau:

Thứ nhất,  án treo là một chế định rất tiến bộ và quan trong trong pháp luật hình sự Việt Nam nhưng khái niệm về án treo vẫn chưa được ghi nhận chính thức trong BLHS, đây là một thiếu sót cần phải bổ sung ngay để thể hiện được tầm quan trọng của chế định này trong BLHS.

Thứ hai, quy định người được hưởng án treo phải có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục. Trong trường hợp quy định như trên là chưa cụ thể, chưa phù hợp, chưa sát với quy định tại Luật khác có liên quan như Luật cư trú, Luật Thi hành án hình sự năm 2010…

Thứ ba, BLHS hiện hành chỉ quy định thời gian thử thách án treo là từ 01 năm đến 05 năm là chưa rõ ràng, cụ thể, cần phải vận dụng Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao khi áp dụng là không cần thiết, chưa thể hiện được tính thống nhất trong việc xây dựng luật.

Thứ tư, Bộ luật hình sự hiện hành không quy định cụ thể thời điểm tính thời gian thử thách là khi nào. Theo đó, Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP quy định 08 trường hợp tính bắt đầu thời gian thử thách của án treo. Quy định trên là rất phức tạp và khó áp dụng trên thực tiễn.

Thứ năm, quy định về án treo hiện hành quy định chưa phù hợp khi quy định về việc quyết định hình phạt trong trường hợp người được hưởng án treo phạm tội khác trước khi được hưởng án treo. Trong trường hợp này, người phạm tội phải đồng thời chấp hành 02 bản án và việc thi hành án do các cơ quan được giao trách nhiệm thi hành án hình sự phối hợp thực hiện theo quy định của Luật Thi hành án hình sự[7]. Với quy định như trên chúng tôi thấy là chưa hợp lý bởi lẽ một người phải đồng thời chấp hành cùng lúc hai bản án là phạt tù và án treo là không thể thực hiện được.

Thứ sáu, tuy khoản 5 Điều 65 BLHS hiện hành có quy định về việc phải tuyên hậu quả của việc vi phạm nghĩa vụ trong thời gian tử thách án treo nhưng Điều luật không quy định trong trường hợp bản án nếu không tuyên nghĩa vụ trên thì sẽ như thế nào, có vi phạm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật hay không. Trong trường hợp không tuyên hậu quả mà người hưởng án treo vi phạm nghĩa vụ thì phải xử lý lý ra sao.

Thứ bảy, Việc xác định như thế nào là bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo thì hiện tại chưa có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thống nhất và chính xác. Giữa Bộ Y tế và Tòa án nhân dân tối cáo, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các Bộ, Ngành có liên quan vẫn chưa có hướng dẫn liên ngành thống nhất về nội dung này.

Để án treo góp phần quan trọng trong công cuộc đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, bảo đảm tính công bằng, sự bình đẳng trước pháp luật của mọi người dân, chúng tôi xin đưa ra một số đề xuất như sau:

Một là, bổ sung khái niệm án treo vào khoản 1 Điều 65 Bộ luật Hình sự hiện hành như sau: Án treo là một biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện. Có như thế mới thể hiện được tầm quan trọng của án treo. Mặt khác, khái niệm như trên cũng cho thấy phù hợp với thực tiễn áp dụng về án treo trong thời gian qua, trải qua các thời kỳ khác nhau, tuy có những thay đổi khác nhau cơ bản về khái niệm nhưng tựu chung nhất thì “Án treo là một biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện” và khái niệm này đã được hầu hết các nhà nghiên cứu về pháp luật hình sự thừa nhận.

Hai là, bổ sung vào điều kiện của người được hưởng án treo cụm từ “người được hưởng án treo phải có nơi cư trú rõ ràng trên địa bàn đơn vị hành chính cấp xã hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục”. Có như thế mới rõ ràng và phù hợp với các Luật khác có liên quan.

Ba là, bổ sung vào khoản 1 Điều 65 BLHS hiện hành quy định cụm từ: Thời gian thử thách bằng hai lần mức hình phạt tù, nhưng không được dưới 01 năm và không được quá 05 năm. Có như thế sẽ thể hiện được kỹ thuật lập pháp sẽ nghiêm minh và chặt chẽ hơn khi áp dụng.

Bốn là, cần phải bổ sung vào Điều 65 BLHS hiện hành quy định thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách như sau: Thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án cho hưởng án treo có hiệu lực pháp luật. Với cách quy định này sẽ rất dễ để xác định thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách của án treo, chỉ cần căn cứ vào bản án có hiệu lực pháp luật là tính theo hướng có lợi nhất cho người bị kết án.

Năm là, bổ sung quy định trong việc quyết định hình phạt trong trường hợp người được hưởng án treo phạm tội khác trước khi được hưởng án treo như sau: Trường hợp người đang được hưởng án treo mà lại phát hiện trước khi được hưởng án treo họ đã thực hiện một tội phạm khác thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội phạm đó không được cho hưởng án treo và tổng hợp hình phạt với bản án cho hưởng án treo theo quy định tại Điều 55 và Điều 56 BLHS hiện hành.

Sáu là, bổ sung hướng dẫn việc Tòa án phải tuyên rõ hậu quả của việc vi phạm nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định tại khoản 5 Điều 65 BLHS hiện hành như sau: “Việc bản án không tuyên rõ hậu quả của việc vi phạm nghĩa vụ trong thời gian thử thách là vi phạm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật”.

Bảy là, Chánh án tòa án nhân dân tối cao phối hợp với các Bộ, Ngành có liên quan sớm ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn thống nhất về danh mục bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo để các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng làm căn cứ ra quyết định cho chính xác, thấu tình, đạt lý khi xét rút ngắn thời gian thử thách của án treo hoặc xét cho người bị kết án phạt tù được hoãn chấp hành án theo đúng quy định của pháp luật./.

 

Tài liệu tham khảo

1. Bộ luật Hình sự năm 2015.

2. Luật số 12/2017/QH14 về việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2015.

3. Luật Thi hành án hình sự 2010 (các điều 18, 61-63).

4. Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20/6/2017 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu của Bộ Y tế.

5. Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP ngày 16/11/2013 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 60 BLHS năm 1999.

6. Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của BLHS năm 2015 về án treo.

7. Thông tư số 26/2014/TT-BQP ngày 20/5/2014 ban hành Danh mục bệnh hiểm nghèo bệnh chữa trị dài ngày thực hiện chế độ quân đội.

8. Công văn số ngày 18/5/2015 của Bộ Tài chính về việc xác định cá nhân mắc bệnh hiểm nghèo được xét giảm thuế thu nhập cá nhân.

9. Đinh Văn Quế, 2012, Một số vấn đề tổng hợp hình phạt tù bới án treo, Tạp chí Tòa án, số 9.

10. Đinh Văn Quế, 2018, Bình luật Bộ luật Hình sự năm 2015, Nxb Thông tin và Truyền thông.

11. Trung tâm bồi dưỡng Đại biểu dân cử - Ủy bản Thường vụ Quốc hội, “Một số vấn đề về chế định án treo trong góp ý dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi”.

  • Nguồn: Tạp chí Kiểm sát số 03 năm 2019, ngày 05/02/2019, trang 21 đến trang 28; trang 56.

 


[1] Trung tâm bồi dưỡng Đại biểu dân cử - Ủy bản thường vụ Quốc hội, “Một số vấn đề về chế định án treo trong góp ý dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi”.

[2] Đinh Văn Quế, 2018, Bình luật Bộ luật Hình sự năm 2015, Nxb Thông tin và Truyền thông, tr346.

[3] Điều 3 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

[4] Đinh Văn Quế, 2018, Bình luật Bộ luật Hình sự năm 2015, Nxb Thông tin và Truyền thông, tr350.

[5] Xem thêm Điều 64 Luật thi hành án hình sự năm 2010.

[6] Xem khoản 2 Điều 7 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018.

[7] Xem khoản 2 Điều 7 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018.

ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HÀ NỘI
CÔNG TY LUẬT TNHH AN PHÚ
  Add: Trụ sở: Phòng 315, tầng3, Số nhà 33, ngõ 30, phố Hoa Lâm, phường Việt Hưng, quận Long Biên, thành phố Hà Nội
  Phone(024) 625 707 13 – Fax: (024) 625 707 15
VPGD: Số nhà 1 ngõ 5 phố Lý Nhân Tông, khu phố Đền Rồng, Phường Đình Bảng, Thị xã Từ Sơn, Tỉnh Bắc Ninh.
  Phone0967 566 878
  Hotline:  0904.226.799 | 0388.477.456 | 0989.981.169
  Website: http://anphulaw.com
  Email:  luatanphu@gmail.com
CÁC GIẢI THƯỞNG
LIÊN KẾT VỚI CHÚNG TÔI
ĐĂNG KÝ HỖ TRỢ PHÁP LÝ
ĐĂNG KÝ HỦY BỎ
Copyright 2015 anphulaw.com. ALL RIGHTS RESERVED.. Ghi rõ nguồn khi bạn phát hành thông tin từ website này