HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
.....................
Tại phiên toà ngày 26-12-2003 xét xử giám đốc thẩm vụ án kinh tế tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh nhập nguyên liệu, chế biến, xuất khẩu hạt điều giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Công ty xuất nhập khẩu tổng hợp Long An, nay là Hội đồng Giải thể Công ty xuất nhập khẩu tổng hợp Long An.
Có trụ sở giao dịch tại số 40 Quốc lộ 1, phường 2, thị xã Tân An, tỉnh Long An.
Bị đơn: Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương Mại và chế biến hàng xuất khẩu Vàm Cỏ Tây.
Có trụ sở tại : ấp 1, xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước.
NHẬN THẤY
Ngày 24-07-1999 giữa Công ty xuất nhập khẩu tổng hợp Long An (gọi tắt là bên A) do ông Phạm Văn Vũ, chức vụ Giám đốc, làm đại diện và Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại và chế biến hàng xuất khẩu Vàm Cỏ Tây (gọi tắt là bên B) do ông Nguyễn Văn Sồi, chức vụ Giám đốc làm đại diện đã cùng nhau ký kết hợp đồng hợp tác số 121/HTKD 99 với nội dung chính như sau:
Bên A giao nguyên liệu hạt điều thô nhập khẩu cho bên B gia công chế biến rồi thu hồi lại nhân điều thành phẩm theo tỷ lệ 5,2 kg nguyên liệu sẽ thu hồi lại 1 kg thành phẩm xuất khẩu và khoán lợi nhuận cho bên B (sau khi hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước); bên B phải chia cho bên A: 9.539.800đồng/tấn hạt điều nhân xuất khẩu với điều kiện đủ thời gian là 6 tháng, trường hợp hoàn vốn trước 6 tháng thì lợi nhuận bên B chia cho bên A được tính là 2, 25%/tháng trên số lợi gốc.
Thực hiện hợp đồng: Bên A đã giao cho bên B:
– Nguyên liệu hạt điều thô: 1.076.202kg, trị giá: (Bao gồm cả thuế VAT): 15.551.494.415đồng.
– Vốn bằng tiền: 72.271.736 đồng.
Bên B đã giao lại cho bên A:
– Hạt điều thành phẩm: 120.522,98kg, thành tiền: 10.578.192.465 đồng.
– Tiền mặt: 1.287.184.600 đồng.
Đối trừ bên B còn nợ bên A là 3.758.389.086 đồng tiền gốc. Sau nhiều lần làm việc bên B chưa trả nợ cho bên A. Ngày 22-06-2001 Công ty xuất nhập khẩu tổng hợp Long An (bên A) có đơn khởi kiện đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương Mại và chế biến hàng xuất khẩu Vàm Cỏ Tây (bên B) tới Toà án nhân dân tỉnh Long An, ngày 03-07-2001 và ngày 28-07-2001 có đơn khởi kiện tiếp, với yêu cầu bên B phải trả cả gốc và lãi là: 6.439.388.746 đồng.
Tại Bản án kinh tế sơ thẩm số 15/KTST ngày 16-09-2002 Toà án nhân dân tỉnh Long An đã quyết định:
Xác định hợp đồng số 121/HTKD ngày 24-07-1999 và phụ lục hợp đồng số 01/121/HTKD 99 ngày 23-08-1999 giữa Công ty xuất nhập khẩu tổng hợp Long An (bên A) và Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại và chế biến hàng xuất khẩu Vàm Cỏ Tây (bên B) là hợp pháp.
Buộc bên B phải trả cho bên A 3.758.389.086 đồng tiền gốc và tiền lãi là 1.485.804.217 đồng; tổng cộng là: 5. 244.193. 303 đồng.
Án phí: Bên B phải nộp 32.244.200 đồng án phí kinh tế sơ thẩm.
Bên A phải nộp 28.195.295 đồng án phí kinh tế sơ thẩm.
Ngày 18-09-2002 bên B có đơn kháng cáo xin được miễn phần lãi suất 1.485.804.217 đồng vì hợp đồng bị lỗ nặng.
Ngày 25-09-2002 bên A có đơn kháng cáo buộc bên B phải trả đủ 6,6 tỷ đồng mới thoả đáng.
Tại Bản án kinh tế phúc thẩm số 03/KT- PT ngày 24-01-2003 Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định sửa Bản án sơ thẩm:
Buộc bên B phải trả cho bên A: 3.758.389.086 đồng.
Án phí: Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương Mại và chế biến hàng xuất khẩu Vàm Cỏ Tây (bên B) phải nộp 30.758.389 đồng án phí kinh tế sơ thẩm. Công ty xuất nhập khẩu tổng hợp Long An (nay là Hội đồng giải thể Công ty xuất nhập khẩu tổng hợp Long An) (bên A) phải nộp 28.195.195 đồng án phí kinh tế sơ thẩm và 200.000 đồng án phí kinh tế phúc thẩm.
Ngày 19-03-2003 ông Phạm Văn Vũ, nguyên là giám đốc Công ty xuất nhập khẩu tổng hợp Long An nay là Phó Chủ tịch Hội đồng giải thể Công ty xuất nhập khẩu Long An có đơn khiếu nại đề nghị xem xét vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm.
Ngày 23-10-2003 Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có kháng nghị số 07/KN- AKT đối với Bản án kinh tế phúc thẩm số 03/KTPT ngày 24-01-2003 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh mới nhận định:
"Để thực hiện hợp đồng số 121/HTKD ngày 24-07-1999 và phụ kiện hợp đồng, phía Công ty xuất nhập khẩu tổng hợp Long An đã đầu tư tới 15.623.776.151 đồng và trong hợp đồng tại Điều II, Điều III đã nói rõ thời hạn hợp tác kinh doanh là 6 tháng đối với từng phần vốn góp và khoán lợi nhuận cho phía Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương Mại và chế biến hàng xuất khẩu Vàm Cỏ Tây không thực hiện được. Do vậy hai bên đã có biên bản thoả thuận ngày 15-02-2000 và biên bản thoả thuận ngày 31-12-2000 với nội dung Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương Mại và chế biến hàng xuất khẩu Vàm Cỏ Tây phải trả Công ty suất nhập khẩu tổng hợp Long An lãi suất 1,2%/tháng/số nợ gốc.
Toà sơ thẩm không tính lãi hợp đồng để chia lợi nhuận tỷ lệ 80% và 20% theo hợp đồng của hai bên ký kết mà tính theo lãi xuất quá hạn của ngân hàng, thời gian bắt đầu tính lãi là sau 6 tháng kể từ ngày Công ty xuất nhập khẩu tổng hợp Long An xuất hạt điều thô cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương Mại và chế biến hàng xuất khẩu Vàm Cỏ Tây là có cân nhắc đến quyền lợi của hai bên, phù hợp với Điều 313 Bộ luật Dân sự và Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19-06-1997 của Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính hướng dẫn việc xét xử và thi hành án về tài sản.
Bản án kinh tế phúc thẩm nhận định: Việc hợp tác kinh doanh gặp việc bất khả kháng xảy ra bị lỗ nặng, lẽ ra hai bên phải cùng gánh chịu thiệt hại song phía bị đơn đã đồng ý hoàn vốn cho nguyên đơn là có lý có tình. Việc nhận định như vậy là chưa đánh giá một cách khách quan ý chí tự thoả thuận của hai bên là đến hết thời hạn hợp tác kinh doanh (6 tháng) thì Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương Mại và chế biến hàng xuất khẩu Vàm Cỏ Tây hoàn vốn và chia lợi nhuận đủ cho Công ty xuất nhập khẩu tổng hợp Long An. Việc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương Mại và chế biến hàng xuất khẩu Vàm Cỏ Tây nói rằng sẽ giao mặt bằng, nhà xưởng, nhà kho, sân phơi của Công ty tại ấp I xã Tiến Hưng - Đồng Xoài, Bình Phước gần 2 tỷ để trả nợ gốc và lãi còn nợ nguyên đơn thì theo tài liệu có trong hồ sơ không thể hiện việc tự nguyện giao các tài sản trên.
Qua việc ký kết, thực hiện hợp đồng và những thoả thuận của hai bên trước khi nguyên đơn khởi kiện thì việc nhận định đánh giá và xét xử của Toà án cấp sơ thẩm là thoả đáng. Đề nghị Hội đồng Thẩm phán- Toà án nhân dân tối cao xét xử theo hướng huỷ Bản án kinh tế phúc thẩm số 03/KTPT ngày 24-01-2003, giữ nguyên Bản án kinh tế sơ thẩm số 15/KTST ngày 16-09-2002 của Toà án nhân dân tỉnh Long An”.
XÉT THẤY
Đây là hợp đồng hợp tác kinh doanh, bên A góp nguyên liệu bằng hạt điều thô nhập khẩu, bên B tổ chức sản xuất chế biến thành hạt điều nhân xuất khẩu đảm bảo được lợi nhuận tối thiểu là 11.924.749 đồng cho mỗi tấn nhân xuất khẩu, lợi nhuận được chia theo tỷ lệ bên A 80% và bên B 20%, không phải là hợp đồng gia công hay hợp đồng cho vay vốn. Nhưng trong sản xuất kinh doanh bị thua lỗ nặng, nằm trong tình trạng chung, ngành điều trong cả nước thời gian này bị xuống giá quá thấp, các bên đều công nhận. Theo biên bản kiểm tra quyết toán thuế của Cục thuế tỉnh Bình Phước ngày 27-06-2001 thì bên B bị thua lỗ 3.770.556.830 đồng. Theo thông lệ hợp đồng hợp tác kinh doanh, lời cùng ăn, lỗ cùng chịu, cụ thể nếu được lãi thì sẽ được chia theo tỷ lệ 80/20 theo thoả thuận, nhưng bị lỗ thì lẽ ra mỗi bên cũng phải gánh chịu rủi ro theo tỷ lệ tương ứng, nhưng bên B đã tự nguyện gánh chịu rủi ro về mình, để bảo toàn vốn gốc cho bên A là thiện chí tốt. Toà án cấp sơ thẩm chỉ buộc bên B hoàn lại vốn gốc cho bên A là phù hợp với thực tế kinh doanh bị thua lỗ nhưng không nhìn nhận đây là việc hoàn lại vốn góp đã bị mất do làm ăn thua lỗ trong việc hợp tác kinh doanh, mà lại nhận định như hợp đồng tín dụng cho vay vốn. Do đó, đã buộc bên B phải trả cho bên A vốn gốc và lãi 1,2%/tháng là chưa thoả đáng. Tại biên bản đối chiếu công nợ ngày 15-02-2000 và ngày 31-12-2000 bên B đã nhận trả gốc và lãi, nhưng sau này đã xin thay đổi yêu cầu chỉ trả gốc không có lãi là không trái với các quy định của pháp luật, vì đây chỉ là những biên bản đối chiếu công nợ, chứ không phải là những phụ lục hợp đồng, do đó các bên vẫn có quyền thay đổi ý kiến của mình. Thực tế bên A giao cho bên B nguyên liệu hạt điều thô được quy ra thành tiền, chứ không phải bên A giao cho bên B tiền mặt; số hàng thành phẩm bên B đã giao lại cho bên A để bên A đưa đi xuất khẩu; số vốn gốc bị thiếu hụt do thua lỗ nằm ở dạng hàng hoá bị xuống giá, bị giảm phẩm cấp từ nguyên liệu thô, chứ không phải do bên B chiếm dụng vốn của bên A. Mặt khác theo hợp đồng, bên A cũng có nghĩa vụ tìm thị trường có giá xuất cao hơn giá xuất của bên B nhưng hồ sơ không thể hiện hành động của bên A nên bên A cũng có trách nhiệm trong việc kinh doanh thua lỗ. Toà án cấp phúc thẩm chấp nhận sự tự nguyện của bên B đồng ý trả lại cho bên A số tiền gốc, mà không tính lãi là phù hợp với quy định của pháp luật.
Do đó, không có cơ sở để chấp nhận Kháng nghị số 07/KN- AKT ngày 23-10-2003 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đối với Bản án kinh tế phúc thẩm số 03/KTPT ngày 24-01-2003 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh.
Bởi các lẽ trên và căn cứ vào khoản 1 Điều 80 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế,
QUYẾT ĐỊNH
Giữ nguyên Bản án kinh tế phúc thẩm số 03/KTPT ngày 24-01-2003 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh.
Lý do giữ nguyên Bản án phúc thẩm:
– Toà án cấp phúc thẩm đã chấp nhận sự tự nguyện của bên B đồng ý trả lại cho bên A số tiền gốc, mà không tính lãi là phù hợp với quy định của pháp luật.
Mọi chi tiết xin liên hệ: Công ty Luật An Phú
Trụ sở chính: Phòng 315 tầng 3 Tòa nhà văn phòng Việt Anh, số 33 ngõ 94 đường Ngô Gia Tự, phường Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội.
Điện thoại: 024.625.707.13; Fax: 024.625.707.15;
Email: luatanphu@gmail.com
Website: anphulaw.com
Văn phòng giao dịch: Khu phố Đền Rồng, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Số cần gọi gấp: 0904 226 799 - 09898.511.69 – 01688.477.456
Luật An Phú: Cam kết đem lại An vui, Thịnh vượng cho mọi khách hàng