Điện thoại: (024) 625 707 13
  • Hình ảnh 1
  • Hình ảnh 2
  • Hình ảnh 4
  • Hình ảnh 3

Quyết định giám đốc thẩm số 12/2003/HĐTP-KT ngày 06/11/2003 về vụ án "Tranh chấp hợp đồng mua bán thuốc lá lá cota"

Cập nhật: 17/05/2004
Lượt xem: 770

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

........................

Tại phiên toà ngày 06-11-2003 xét xử giám đốc thẩm vụ án kinh tế về tranh chấp hợp đồng mua bán thuốc lá lá Cotap giữa:

Nguyên đơn: Công ty kinh doanh xuất nhập khẩu tổng hợp 30-4 Tây Ninh; địa chỉ: Số 30 Lê Lợi, phường 2, thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh.

Bị đơn: Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Tấn Bình; địa chỉ số 18B/1, Đường 3/2, phường 12, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bà Phạm Thị Cẩm; địa chỉ: Số 8, tổ 42, khóm 2, hẻm Tịnh Xá Ngọc Châu, huyện Phú Châu (cũ) nay là huyện Tân Châu, tỉnh An Giang.

NHẬN THẤY

Ngày 14-08-2000 Công ty kinh doanh xuất nhập khẩu tổng hợp 30-4 Tây Ninh (sau đây viết tắt là Công ty Tây Ninh) và Công ty trách nhiệm hữu hạn Tấn Bình (sau đây viết tắt là Công ty Tấn Bình), đã cùng nhau ký kết hợp đồng số 75/8/HĐKT về mua bán thuốc lá lá Cotap. Theo hợp đồng này thì Công ty Tây Ninh bán cho Công ty Tấn Bình 100 tấn thuốc lá lá Cotap loại I, II với giá tính theo từng thời điểm cụ thể theo hoá đơn xuất bán; hàng được giao làm nhiều đợt theo yêu cầu của bên mua và được giao tại kho bên mua số 52D ấp I, xã Xuân Thới, huyện Hóc Môn; thanh toán bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản 100%; chứng từ thanh toán là hoá đơn GTGT của bên bán do Bộ Tài chính phát hành; sau 30 đến 60 ngày, kể từ ngày nhận đủ số lượng và lượng hàng, bên mua phải thanh toán dứt điểm số tiền hàng cho bên bán theo từng lô hàng; thời gian từ ngày 14-08-2000 đến ngày 31-12-2000.

Thực hiện hợp đồng, Công ty Tây Ninh đã xuất bán cho Công ty Tấn Bình tổng số: 161.734 kg thuốc lá thể hiện tại 9 hóa đơn GTGT và 9 phiếu nhập kho. Tuy người trực tiếp giao hàng của Công ty Tây Ninh cho Công ty Tấn Bình là bà Cẩm (không phải là cán bộ của Công ty Tây Ninh), nhưng trong các hoá đơn và phiếu xuất kho đều thể hiện ghi rõ bên bán là Công ty Tây Ninh và hàng cũng đã được nhập vào kho của Công ty Tấn Bình do Cao Văn Đức là thủ kho của Công ty Tấn Bình ký nhận.

Tương ứng với số hàng đã nhận được, Công ty Tấn Bình đã thanh toán cho Công ty Tây Ninh số tiền cụ thể như sau:

– Ngày 09-09-2000 theo giấy giới thiệu của Công ty Tây Ninh, ông Mẫn (là cán bộ của Công ty Tây Ninh) đến Công ty Tấn Bình nhận số tiền là: 917.280.000 đồng theo phiếu xuất kho số 002822.

– Ngày 09-09-2000 theo giấy giới thiệu của Công ty Tây Ninh giới thiệu ông Mẫn đến Công ty Tấn Bình nhận số tiền 129.048.022 đồng theo phiếu xuất kho số 02817, nhưng người ký nhận tiền là ông Nguyễn Văn Nhi (Trưởng trạm thu mua của Công ty Tây Ninh).

- Ngày 17-11-2000 Công ty Tấn Bình có phiếu xuất kho hoàn trả lại hàng hoá không đúng phẩm chất cho Công ty Tây Ninh theo hoá đơn số 046074 với số lượng: 14.141 kg thành tiền là: 289.460.353 đồng.

- Ngày 18-12-2000 và ngày 29-01-2001, Công ty Tây Ninh có công văn gửi Công ty Tấn Bình yêu cầu giải quyết dứt điểm số tiền hàng thuốc lá còn nợ theo hợp đồng nêu trên. Mặc dù vậy, Công ty Tấn Bình vẫn không thực hiện nghĩa vụ thanh toán của mình. Hai bên không có khiếu nại gì về số lượng, chất lượng hàng hoá đã nhận, nhưng Công ty Tấn Bình cho rằng đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán của mình theo như đã cam kết trong hợp đồng. Ngày 27-02-2001 Công ty Tây Ninh có đơn khởi kiện gửi đến Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh với nội dung yêu cầu Công ty Tấn Bình thanh toán tổng số tiền hàng thuốc lá còn nợ là: 2.000.812.816 đồng.

Tại Bản án kinh tế sơ thẩm số 113/KTST ngày 24-07-2001, Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:

- Bác toàn bộ yêu cầu của Công ty Tây Ninh.

- Ngoài ra, trong Bản án kinh tế sơ thẩm còn có quyết định về tiền án phí, về lãi suất và quyền kháng cáo của các đương sự.

- Ngày 01-08-2002, Công ty Tây Ninh có đơn kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xét xử buộc Công ty Tấn Bình thanh toán toàn bộ số tiền còn nợ là 2.000.812. 816 đồng.

Tại Bản án kinh tế phúc thẩm số 51/KTPT ngày 09-12-2002, Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định chấp nhận một phần yêu cầu của Công ty kinh doanh xuất nhập khẩu Tổng hợp 30- 4 Tây Ninh và sửa quyết định Bản án kinh tế sơ thẩm số 113/KTST ngày 24-07-2001 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh như sau:

- Buộc Công ty TNHH Tấn Bình phải thanh toán cho Công ty kinh doanh xuất nhập khẩu Tổng hợp 30-4 Tây Ninh số tiền còn thiếu là 941.790.621 đồng và bồi thường tiền lãi phát sinh do chậm thanh toán là 147.916.725 đồng.

- Công ty TNHH Tấn Bình được quyền khởi kiện bà Phạm Thị Cẩm bằng vụ kiện khác để buộc bà Cẩm trả lại số tiền phải trả cho Công ty kinh doanh xuất nhập khẩu Tổng hợp 30-4 Tây Ninh do lỗi của bà Cẩm gây nên.

- Công ty TNHH Tấn Bình phải chịu án phí kinh tế sơ thẩm là 28.089.707 đồng; Công ty kinh doanh XNK Tổng hợp 30-4 Tây Ninh phải chịu án phí kinh tế sơ thẩm là 28.310.966 đồng, Công ty đã nộp tạm ứng án phí 14.500.500 đồng và tiền tạm ứng án phí kháng cáo là 200.000 đồng, nên được cấn trừ, còn phải nộp tiếp 13.610.466 đồng.

- Các bên đương sự không phải chịu án phí kinh tế phúc thẩm.

Sau khi xét xử phúc thẩm, Công ty TNHH Tấn Bình có đơn khiếu nại đối với Bản án kinh tế phúc thẩm nêu trên với nội dung:

- Công ty Tây Ninh đã mất quyền khởi kiện;

- Hợp đồng mua bán thuốc lá nêu trên là hợp đồng vô hiệu;

- Nhận định của cấp phúc thẩm đối với bà Cẩm là môi giới thương mại trong vụ án này là sai.

Tại Kháng nghị số 04/QĐKN-KT ngày 29-08-2003, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhận định:

- Theo thoả thuận trong hợp đồng mua bán thuốc lá số 75/8/HĐKT ký ngày 14-08-2000 giữa Công ty Tây Ninh với Công ty Tấn Bình 100 tấn thuốc lá lá Cotap. Thực tế Công ty Tấn Bình đã nhận 161.734 kg thuốc lá từ bà Phạm Thị Cẩm là một tư nhân chứ không nhận hàng của Công ty Tây Ninh.

- Công ty Tây Ninh xuất trình 7 hóa đơn do chính người của Công ty Tây Ninh ký nhận hàng và 02 hóa đơn không có người ký nhận. Xem xét 9 hóa đơn này chưa được Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm xác minh đối chiếu lại với 9 hóa đơn bản chính lưu tại Công ty Tấn Bình để xác định các hóa đơn này hợp lệ hay không hợp lệ.

- Công ty Tây Ninh không xuất trình được chứng cứ cho thấy Công ty Tấn Bình có yêu cầu nhận hàng và Công ty Tây Ninh không trực tiếp giao hàng. Vì vậy, chứng từ hóa đơn không có ký nhận hàng của thủ kho Tấn Bình.

- Về hai khoản tiền mà Công ty Tấn Bình đã thanh toán cho Công ty Tây Ninh là 917.280.000 đồng và 129.048.022 đồng thì chứng từ hóa đơn nhận hàng và phiếu chi, nhận tiền thể hiện không rõ ràng, không hợp lệ và chưa được Tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm xác minh. Tòa án cấp phúc thẩm lại cho là hợp lệ và buộc Công ty Tấn Bình phải thanh toán cho Công ty Tây Ninh số tiền còn thiếu là 941.790.621 đồng và lãi phát sinh là chưa có căn cứ.

Số hàng thuốc lá lá bà Cẩm giao cho Công ty Tấn Bình là do bà Cẩm mua từ Cămpuchia do ông Nhi cho vay 50% vốn, hợp đồng mua bán thuốc lá giữa hai Công ty chỉ là giả tạo. Song Bản án phúc thẩm nhận định: Bà Cẩm là tư nhân môi giới kinh doanh thuốc lá cho hai Công ty ký hợp đồng. Đồng thời làm trung gian cho việc thực hiện hợp đồng. Việc làm của bà Cẩm là hành vi môi giới thương mại mà Luật thương mại cho phép. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng việc nhận định của Tòa Phúc thẩm là không đúng theo quy định tại các Điều 17,93 và 94 Luật thương mại.

Với các nhận định trên đây, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quyết định kháng nghị Bản án kinh tế phúc thẩm số 51/KTPT ngày 09-12-2002 của Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh; đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm theo quy định tại khoản 3 Điều 80 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế, huỷ Bản án sơ thẩm và phúc thẩm; giao hồ sơ lại cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục chung; tạm đình chỉ thi hành Bản án kinh tế phúc thẩm nêu trên cho đến khi có kết quả xét xử giám đốc thẩm.

Sau khi có Kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, ngày 17- 10-2003 Tòa án nhân dân tối cao nhận được Công văn số 3061/THA ngày 03-10- 2003 của Phòng thi hành án thành phố Hồ Chí Minh thông báo là đã tổ chức thi hành án và thu được tổng số tiền là: 598.000.000 đồng của Công ty Tấn Bình trả cho Công ty Tây Ninh.

XÉT THẤY

Theo quy định của Luật thương mại thì hợp đồng số 75/8/HĐKT về mua bán thuốc lá lá Cotap giữa Công ty Tây Ninh và Công ty Tấn Bình là hợp đồng thương mại và phù hợp với các quy định của pháp luật, phù hợp với chức năng kinh doanh của các bên, nên có hiệu lực. Đơn khởi kiện của Công ty Tây Ninh còn trong thời hạn luật định.

Xem xét về các lý do được nêu trong kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, cho thấy:

- Công ty Tấn Bình đã nhận được 161.734 kg thuốc lá là của Công ty Tây Ninh. Điều đó đã thể hiện trên 9 hóa đơn GTGT do Công ty Tây Ninh phát hành và 9 phiếu nhập kho của Công ty Tấn Bình. Mặc dù bà Cẩm là người giao hàng tuy không phải là cán bộ của Công ty Tây Ninh, nhưng trên các giấy tờ sổ sách đều thể hiện đầy đủ bên bán là Công ty Tây Ninh và bên mua là Công ty Tấn Bình. Số hàng thuốc lá nêu trên được bà Lâm Thị Vân, giám đốc Công ty Tấn Bình trực tiếp nhận và đã được Cao Văn Đức là thủ kho của Công ty Tấn Bình ký nhận.

- Để giao hàng cho Công ty Tấn Bình, Công ty Tây Ninh đã phát hành 09 hoá đơn GTGT, tương ứng với số lượng hàng đã giao là 161.734 kg thuốc lá. Việc ký nhận ở một số hoá đơn GTGT có thể là chưa đúng thủ tục, nhưng về số lượng, số lần giao hai Công ty đều xác nhận và không có tranh chấp. Công ty Tấn Bình đồng ý trả tiền cho Công ty Tây Ninh với số lượng hàng thực nhận theo các hoá đơn GTGT do Công ty Tây Ninh phát hành và Công ty Tấn Bình đã kê khai tại Cục thuế thành phố Hồ Chí Minh, nên việc đối chiếu lại là không cần thiết.

– Sau khi hoàn tất việc giao, nhận hàng, Công ty Tấn Bình mới trả cho Công ty Tây Ninh được hai lần tiền hàng được thể hiện tại phiếu chi ngày 09-09-2000 với số tiền: 917.280.000 đồng và phiếu chi ngày 09-09-2000 với số tiền: 129.048.022 đồng. Việc nhận hai khoản tiền này Công ty Tây Ninh đều có giấy giới thiệu cử ông Lê Văn Mẫn (là cán bộ của Công ty Tây Ninh) đến Công ty Tấn Bình nhận tiền. Sau khi nhận được thì số tiền này đã được nhập vào quỹ của Công ty Tây Ninh. Việc trả và nhận hai khoản tiền nêu trên là hợp lệ. Về hai khoản tiền này Công ty Tây Ninh là người nhận tiền cũng không có khiếu nại gì, nên không cần phải xem xét lại.

Tổng hợp các tài liệu có trong hồ sơ cho thấy, về số lượng hàng thuốc lá thực tế Công ty Tấn Bình đã nhận, số lượng hàng thuốc lá Công ty Tấn Bình hoàn trả lại cho Công ty Tây Ninh và số lượng hàng thuốc lá còn lại Công ty Tấn Bình phải thanh toán tiền cho Công ty Tây Ninh cũng như số tiền phải thanh toán thì Công ty Tây Ninh và Công ty Tấn Bình không có tranh chấp. Trong vụ án này, hai Công ty tranh chấp về việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền hàng thuốc lá. Công ty Tây Ninh cho rằng Công ty Tấn Bình chưa thanh toán tiền hàng thuốc lá, ngược lại Công ty Tấn Bình cho rằng đã thanh toán đầy đủ tiền hàng thuốc lá. Như đã phân tích ở trên thì mới có đầy đủ căn cứ để kết luận Công ty Tấn Bình đã trả được cho Công ty Tây Ninh hai lần tiền hàng là 917.280.000đồng và 129.048.022 đồng. Về các chứng từ còn lại mà Công ty Tấn Bình xuất trình để chứng minh là đã thanh toán đầy đủ tiền hàng cho Công ty Tây Ninh cho thấy có chín phiếu chi như sau:

- Phiếu chi ngày 09-09-2000 số tiền: 129.048.022 đồng;

- Phiếu chi ngày 09-09-2000 số tiền: 917.280.000 đồng;

- Phiếu chi ngày 09-09-2000 số tiền: 187.605.171 đồng;

- Phiếu chi ngày 20-09-2000 số tiền: 826.818.248 đồng;

- Phiếu chi ngày 21-09-2000 số tiền: 712.950.000 đồng;

- Phiếu chi ngày 01-10-2000 số tiền: 97.497.750 đồng;

- Phiếu chi ngày 10- 10-2000 số tiền: 270.406.500 đồng;

- Phiếu chi ngày 25-10-2000 số tiền: 97.497.750 đồng;

- Phiếu chi ngày 26- 10-2000 số tiền: 97.497.750 đồng;

Trong tất cả các phiếu chi trên, Công ty Tấn Bình đều ghi chi trả tiền cho Công ty Tây Ninh nhưng về hình thức được thể hiện khác nhau, có loại thì ghi giấy biên nhận tiền viết tay và bà Cẩm ký nhận tiền, có loại thì ghi phiếu chi và bà Cẩm ký nhận tiền, có loại thì ghi phiếu chi đã viết đủ nội dung nhưng không có ai ký. Đặc biệt có hai phiếu chi “Cùng ngày 09-09-2000 số tiền: 129.048.022 đồng và số tiền: 917.280.000 đồng” trùng với số tiền đã chi trả cho Công ty Tây Ninh. Không thể cùng một ngày, một người duyệt chi trả cho một khoản nợ lại có thể chi trả hai lần cho hai người khác nhau. Tại phiên tòa phúc thẩm, bà Vân Giám đốc Công ty Tấn Bình thừa nhận: “Tất cả các phiếu chi đều làm sau”. Trong trường hợp này nếu Công ty Tấn Bình có chi thật và bà Cẩm cũng thừa nhận là đã nhận các khoản tiền theo các chứng từ trên thì Công ty Tấn Bình cũng đã trả tiền không đúng đối tượng, bởi vì bà Cẩm không phải là người của Công ty Tây Ninh, không được Công ty Tây Ninh uỷ quyền. Bởi vậy, Công ty Tấn Bình vẫn phải trả tiếp số tiền hàng còn thiếu cho Công ty Tây Ninh. Nếu có đầy đủ căn cứ chứng minh là đã trả nhầm số tiền đó cho bà Cẩm thì Công ty Tấn Bình có quyền khởi kiện trong một vụ án khác đối với bà Cẩm buộc bà Cẩm phải trả lại số tiền đó cho mình; do đó quyết định của Bản án kinh tế phúc thẩm số 5l /KTPT ngày 09- 12-2002 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh buộc Công ty Tấn Bình phải thanh toán, cho Công ty Tây Ninh số tiền mua hàng thuốc lá còn thiếu và bồi thường tiền lãi phát sinh do chậm thanh toán đồng thời dành quyền cho Công ty Tấn Bình nếu có đầy đủ căn cứ thì có quyền khởi kiện đối với bà Cẩm trong một vụ án khác là có căn cứ.

Bởi các lẽ trên, căn cứ vào khoản 1 Điều 80 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế,

QUYẾT ĐỊNH

Bác Kháng nghị số 04/QĐKN-KT ngày 29-08-2003 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và giữ nguyên quyết định của Bản án kinh tế phúc thẩm số 51/KTPT ngày 09-12-2002 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh.

Lý do bác Kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và giữ nguyên quyết định của Bản án phúc thẩm:

– Trên giấy tờ, sổ sách đã thể hiện đầy đủ bên bán là Công ty Tây Ninh và bên mua là Công ty Tấn Bình.

– Số lượng hàng hoá và các lần giao nhận đã được các bên xác nhận và không có tranh chấp gì:

– Việc trả và nhận tiền giữa hai Công ty là hợp lệ và các bên không có tranh chấp, không có khiếu nại gì.

Mọi chi tiết xin liên hệ:  Công ty Luật An Phú

Trụ sở chính: Phòng 315 tầng 3 Tòa nhà văn phòng Việt Anh, số 33 ngõ 94 đường Ngô Gia Tự, phường Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội.

Điện thoại: 024.625.707.13;    Fax: 024.625.707.15;

Email: luatanphu@gmail.com

Website: anphulaw.com

Văn phòng giao dịch: Khu phố Đền Rồng, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

 Số cần gọi gấp: 0904 226 799 -  09898.511.69 – 01688.477.456

Luật An Phú: Cam kết đem lại An vui, Thịnh vượng cho mọi khách hàng

 

Normal 0 false false false EN-US X-NONE X-NONE
ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HÀ NỘI
CÔNG TY LUẬT TNHH AN PHÚ
  Add: Trụ sở: Phòng 315, tầng3, Số nhà 33, ngõ 30, phố Hoa Lâm, phường Việt Hưng, quận Long Biên, thành phố Hà Nội
  Phone(024) 625 707 13 – Fax: (024) 625 707 15
VPGD: Số nhà 1 ngõ 5 phố Lý Nhân Tông, khu phố Đền Rồng, Phường Đình Bảng, Thị xã Từ Sơn, Tỉnh Bắc Ninh.
  Phone0967 566 878
  Hotline:  0904.226.799 | 0388.477.456 | 0989.981.169
  Website: http://anphulaw.com
  Email:  luatanphu@gmail.com
CÁC GIẢI THƯỞNG
LIÊN KẾT VỚI CHÚNG TÔI
ĐĂNG KÝ HỖ TRỢ PHÁP LÝ
ĐĂNG KÝ HỦY BỎ
Copyright 2015 anphulaw.com. ALL RIGHTS RESERVED.. Ghi rõ nguồn khi bạn phát hành thông tin từ website này