Điện thoại: (024) 625 707 13
  • Hình ảnh 1
  • Hình ảnh 2
  • Hình ảnh 4
  • Hình ảnh 3

Giải quyết tranh chấp lao động

Cập nhật: 03/09/2009
Lượt xem: 770
Tranh chấp lao động bao gồm hai loại:

Tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể. Tuỳ theo từng loại tranh chấp mà hệ thống cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết được qui định khác nhau.

Theo qui định tại Điều 165 Bộ luật Lao động đã sửa đổi, bổ sung năm 2006 (BLLĐ đã SĐBS 2006) cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân bao gồm:

- Hội đồng hoà giải lao động cơ sở hoặc hoà giải viên lao động

- Toà án nhân dân.

Theo quy định tại điều 166 Bộ luật Lao động (SĐBS 2006) và điểm c khoản 1, Điều 33, khoản 1 Điều 31 Bộ Luật tố tụng Dân sự thì Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh hoà giải không thành hoặc không giải quyết trong thời hạn luật định, khi có đơn yêu cầu của một hoặc hai bên tranh chấp. Những tranh chấp lao động cá nhân sau đây không nhất thiết phải qua hoà giải tại cơ sở, có thể yêu cầu Toà án nhân cấp huyện giải quyết (khoản 2 Điều 166 BLLĐSĐBS 2006):

a) Tranh chấp về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;

b) Tranh chấp bề bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;

c) Tranh chấp giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;

d) Tranh về bảo hiểm xã hội;

đ) Tranh chấp về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Riêng đối với tranh chấp lao động cá nhân có yếu tố nước ngoài, khoản 3 Điều 33 Bộ Luật tố tụng Dân sự (BLTTDS) quy định: “Những tranh chấp...mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải uỷ thác tư pháp cho cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, cho Toà án nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân cấp huyện”. Với quy định này, thẩm quyền giải quyết vụ án lao động cho Toà án nhân dân cấp huyện không có sự phân biệt giữa tranh chấp lao động cá nhân có yếu tố nước ngoài hay không có yếu tố nước ngoài. Quy định trên tất yếu sẽ đẩy khối lượng công việc của Toà án nhân dân cấp huyện tăng lên đáng kể. Và, ngoài ra đi kèm với nó là vấn đề trách nhiệm, chất lượng xét xử và một loạt vấn đề khác như: bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ thẩm phán; lựa chọn người tham gia với tư cách hội thẩm nhân dân, củng cố đội ngũ kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện...

1. Về thời hiệu giải quyết tranh chấp lao động:


Theo quy định tại Điều 167 Bộ luật Lao động, thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân như sau:

- Một năm, kể từ ngày xảy ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích của mình bị vi phạm đối với các tranh chấp lao động quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều 166 của Bộ luật này;

- Một năm, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích của mình bị vi phạm đối với tranh chấp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 166 của Bộ luật này;

- Ba năm, kể từ ngày xảy ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích của mình bị vi phạm đối với tranh chấp quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 166 của Bộ luật này;

- Sáu tháng, kể từ ngày xảy ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích của mình bị vi phạm đối với các loại tranh chấp khác.
Khoản 3 a Điều 159 Bộ luật tố tụng Dân sự qui định: “Trong trường hợp pháp luật không có quy định khác về thời hiệu khởi kiện, thì thời hiệu khởi kiện áp dụng thống nhất cho mọi vụ án dân sự là 2 năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích công cộng, lợi ích Nhà nước bị xâm phạm”.

Quy định về thời hiệu giải quyết tranh chấp lao động nói trên có một số vấn đề cần lưu ý sau:

Thứ nhất, qui định về thời hiệu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân tại Điều 167 Bộ luật Lao động (SĐBS 2006) được áp dụng chung cho các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết trong đó có Toà án. Còn thời hiệu qui định tại khoản 3 a Điều 159 Bộ luật tố tụng Dân sự chỉ áp dụng với Toà án. Khác với các tranh chấp dân sự thông thường, chỉ có một số loại tranh chấp lao động cá nhân được quy định tại khoản 2 Điều 166 (SĐBS 2006) các bên chủ thể có quyền kiện thẳng ra Toà án, còn các trường hợp khác, Toà án chỉ thụ lý khi vụ tranh chấp đã qua Hội đồng hoà giải lao động cơ sở hay hoà giải viên lao động đã hoà giải nhưng không thành hoặc hết thời hạn hoà giải theo luật định mà Hội đồng hoà giải hay hoà giải viên không tiến hành hoà giải. Như vậy, với quy định tại khoản 3 a Điều 159 Bộ luật tố tụng Dân sự là rất khó thực hiện trên thực tế đối với những vụ án tranh chấp lao động các bên không có quyền kiện ra Toà án.

Thứ hai, thời hiệu giải quyết tranh chấp lao động theo quy địn tại Điều 167 Bộ luật Lao động (SĐBS 2006) từ 6 tháng đến 3 năm tuỳ vào loại tranh chấp. Nhưng, theo qui định tại khoản 3 a Điều 159 Bộ luật tố tụng Dân sự thì thời hiệu này được áp dụng cho cả việc giải quyết vụ án lao động là 2 năm. Như vậy, phải chăng đã có sự không thống nhất trong việc quy định và hướng dẫn về thời hiệu giải quyết tranh chấp lao động.

Thứ ba, đối với tranh chấp lao động cá nhân không nhất thiết phải qua hoà giải tại cơ sở thì thời hiệu khởi kiện sẽ ngắn hơn hoặc dài hơn (tuỳ vào từng trường hợp) so với thời hiệu được qui định tại khoản 3 a Điều 159 Bộ luật tố tụng Dân sự. Những vụ tranh chấp lao động cá nhân mà các bên lựa chọn hoà giải cơ sở trước khi kiện ra Toà án hoặc những vụ tranh chấp lao động cá nhân phải qua thủ tục hoà giải tại cơ sở thì Bộ luật Lao động có quy định trường hợp những tranh chấp lao động phải qua hoà giải thì thời hiệu khởi kiện vụ án được tính từ thời điểm xảy ra tranh chấp, hay tính từ thời điểm hoà giải không thành hoặc thời điểm hết thời hạn hoà giải mà không hoà giải. Vậy, sẽ bổ sung qui định này vào Điều 167 Bộ luật Lao động (SĐBS) hay áp dụng thời hiệu 2 năm trong Bộ luật tố tụng Dân sự cho những trường hợp này ? Nếu áp dụng Bộ luật tố tụng Dân sự thì thời hiệu được tính từ ngày quyền, lợi ích của các bên bị xâm phạm hay từ ngày phát sinh quyền yêu cầu Toà án giải quyết của các chủ thể theo qui định của BLLĐ.

2. Vấn đề hoà giải tại Toà án

Theo qui định tại Điều 166 BLLĐ (SĐBS 2006) thì Toà án nhân dân giải quyết các tranh chấp lao động cá nhân mà Hội đồng hoà giải lao động cơ sở hoặc hoà giải viên lao động hoà giải không thành hoặc không giải quyết trong thời hạn luật định, trừ những tranh chấp lao động cá nhân không bắt buộc phải qua hoà giải tại cơ sở (nhưng nếu các bên có yêu cầu hoà giải thì Toà án cũng chỉ được thụ lý khi hoà giải không thành).
Như vậy, theo qui định của BLLĐ (SĐBS 2006) hòa giải là thủ tục bắt buộc, xuyên suốt trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động nói chung và tranh chấp lao động cá nhân nói riêng. Thế nhưng, theo qui định của BLTTDS (Điều 180), thủ tục hoà giải chỉ bắt buộc trong giai đoạn chuẩn bị xét xử mà không bắt buộc tại phiên toà sơ thẩm. Từ thực tiễn giải quyết tranh chấp lao động cho thấy vấn đề này có một số nội dung cần chú ý như sau:

Thứ nhất, theo qui định nếu vụ tranh chấp đã qua hoà giải mà không thành thì Toà án chỉ thụ lý vụ việc nhưng việc hoà giải phải đúng pháp luật. Hoà giải đúng pháp luật là do Hội đồng hoà giải cơ sở hoặc hoà giải viên lao động giải quyết theo đúng thẩm quyền, trình tự do pháp luật qui định. Trong thực tế, hoà giải một cách qua loa, hình thức để không bị coi là vi pham nghiêm trọng về mặt thủ tục. Ngay cả với qui định tại Điều 220 BLTTDS cũng theo hướng nếu có cơ hội hoà giải thành thì Hội đồng xét xử sơ thẩm có trách nhiệm tiến hành thủ tục này trước khi xét hỏi chứ không phải chỉ hỏi “các đương sự có thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án hay không” theo kiểu nghĩa vụ phải hỏi.

Thứ hai, sau khi có đơn yêu cầu Hội đồng hoà giải cơ sở hay hoà giải viên lao đông giải quyết nhưng các bên lại có đơn yêu cầu Toà án giải quyết, Toà án có thụ lý không ? Trong trường hợp này đối với những vụ tranh chấp lao động phải qua hoà giải thì Toà án không thụ lý và trả lại đơn kiện (Điều 168 BLTTDS). Riêng đối với tranh chấp lao động cá nhân không nhất thiết phải qua hoà giải nhưng họ lại đưa vụ tranh chấp ra hoà giải, theo qui định của BLLĐ (khoản 2, Điều 166) và BLTTDS (Điều 161) không hạn chế quyền khởi kiện của họ ra Toà án. Do vậy, Toà án sẽ thụ lý và giải quyết bình thường.


ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HÀ NỘI
CÔNG TY LUẬT TNHH AN PHÚ
  Add: Trụ sở: Phòng 315, tầng3, Số nhà 33, ngõ 30, phố Hoa Lâm, phường Việt Hưng, quận Long Biên, thành phố Hà Nội
  Phone(024) 625 707 13 – Fax: (024) 625 707 15
VPGD: Số nhà 1 ngõ 5 phố Lý Nhân Tông, khu phố Đền Rồng, Phường Đình Bảng, Thị xã Từ Sơn, Tỉnh Bắc Ninh.
  Phone0967 566 878
  Hotline:  0904.226.799 | 0388.477.456 | 0989.981.169
  Website: http://anphulaw.com
  Email:  luatanphu@gmail.com
CÁC GIẢI THƯỞNG
LIÊN KẾT VỚI CHÚNG TÔI
ĐĂNG KÝ HỖ TRỢ PHÁP LÝ
ĐĂNG KÝ HỦY BỎ
Copyright 2015 anphulaw.com. ALL RIGHTS RESERVED.. Ghi rõ nguồn khi bạn phát hành thông tin từ website này