Điện thoại: (024) 625 707 13
  • Hình ảnh 1
  • Hình ảnh 2
  • Hình ảnh 4
  • Hình ảnh 3

Lãi suất, tỷ giá lên, chứng khoán xuống

Cập nhật: 27/03/2015
Lượt xem: 770

(TBKTSG) - Có mối liên hệ nào giữa những biến động trên thị trường tiền tệ và chứng khoán tuần qua? Câu trả lời là có và không chỉ một.

Từ đầu tháng 3, nhất là hai tuần gần đây lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng liên tục đứng ở mức cao. Cuối tuần trước lãi suất qua đêm tiền đồng đã chạm 4%/năm, còn kỳ hạn một tháng lên 4,53 %/năm. Mức này cao hơn hẳn lãi suất huy động từ dân cư cùng kỳ hạn của nhiều ngân hàng.

Nhu cầu tiền đồng tăng một phần do tín dụng tăng khá so với cùng kỳ trong hai tháng đầu năm, phần khác là do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hút ròng. Ý định của nhà điều hành thể hiện tương đối rõ: lãi suất tăng để ngăn chặn đầu cơ ngoại tệ. Với mức lãi suất cao như thế, không tổ chức tín dụng nào lại “dại dột” “ôm” đô la Mỹ để gánh rủi ro cả. So với những thời điểm lãi suất qua đêm rớt dưới 1%/năm trong năm ngoái, lãi suất qua đêm hiện đang cao gấp 4 lần.

Ảnh hưởng của lãi suất liên ngân hàng cao tác động tức thì đến thị trường trái phiếu. Hai phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ mới nhất chỉ bán được 2.400 tỉ đồng trong tổng số 9.000 tỉ đồng chào bán. Trái phiếu loại 5 năm thậm chí chỉ bán được 120 tỉ đồng. Các ngân hàng “chê” trái phiếu, còn nước ngoài lại quay ra bán ròng thứ hàng hóa này.

Lãi suất lên không bao giờ thuận lợi cho chứng khoán đã đành. Sự biến động của tỷ giá càng làm giới đầu tư “nhấp nhổm”. Những ngày tỷ giá thị trường tự do tăng lên 21.800 đồng/đô la Mỹ, giao dịch của cả hai sàn trầm lắng hẳn, thanh khoản giảm thấy rõ. Khi giá vàng thế giới chuyển từ 1.150 đô la Mỹ/ounce lên 1.187 đô la Mỹ/ounce, giá đô la thị trường tự do xuống còn 21.600-21.650 đồng, thì tỷ giá niêm yết bán ra của các ngân hàng lại ngược chiều và bứt phá. Ngày 24-3 có ngân hàng niêm yết giá bán 21.575 đồng/đô la Mỹ, mức phổ biến là 21.570 đồng/đô la Mỹ trong khi tuần trước khoảng 21.480-21.500 đồng/đô la Mỹ. Chính sự tăng giá niêm yết bán ra của ngân hàng mới thực sự làm người ta lo ngại. Không thể nói các ngân hàng cũng chịu ảnh hưởng tâm lý như thị trường tự do được.

Không nghi ngờ sự biến động tỷ giá là một trong những lý do khiến khối ngoại bán ròng trên cả Hose và Hnx. Không những quỹ ETFs bán, mà ngay cả một số quỹ đóng cũng bán. Theo chu kỳ hàng năm, quí 1, đặc biệt tháng 3-4 là thời điểm nước ngoài giải ngân mạnh vào cổ phiếu, sau đó sang tháng 5-8 họ mới bán ra. Năm nay, qui luật bất thành văn này bị phá vỡ khi ngay từ đầu tháng 3, nước ngoài đã liên tục bán ròng. Một quỹ nước ngoài tính toán: so với cùng kỳ tỷ giá đã tăng hơn 2%, và VN-Index giảm 2,8%, giải ngân hiện tại là khó. Một số quỹ kết thúc năm tài chính vào cuối tháng 3, số khác chịu áp lực thoái vốn đúng kỳ này. Khi nhận ra tiền đồng có dấu hiệu mất giá, họ đã hành động trước.

Đáng nói hơn, việc rút tiền khỏi chứng khoán Việt Nam của khối ngoại còn nằm trong tầm ảnh hưởng chiến lược dịch chuyển dòng vốn toàn cầu. Theo thống kê của Bloomberg, tiền đang đổ vào chứng khoán Mỹ. Tuần trước thêm 14,1 tỉ đô la Mỹ chảy vào cổ phiếu ở Hoa Kỳ, cao nhất từ đầu năm. Tiền chảy vào chứng khoán Mỹ ngay cả trước và sau cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED). Khi FED hạ dự báo tăng trưởng và lạm phát, đồng nghĩa với việc không vội nâng lãi suất, cả Dow Jones, S&P500 và Nasdaq đều “bùng nổ”.

Trong khi chứng khoán Mỹ và châu Âu hưởng lợi, vốn bị rút ra “không thương tiếc” ở các thị trường mới nổi châu Á tới 1,5 tỉ đô la Mỹ tuần qua, chủ yếu ở Trung Quốc và Hàn Quốc. Năm nước Asean cũng bị rút ròng 256 triệu đô la Mỹ. Các quỹ ETFs Vietnam có ngày bị rút 1 triệu chứng chỉ quỹ, tương đương 400 tỉ đồng. Sang đầu tuần, quỹ ETF trên bị rút thêm khoảng 320 tỉ đồng. ETFs không giống quỹ đóng. Chứng chỉ quỹ bị rút là họ phải bán ngay cổ phiếu trả tiền cho nhà đầu tư. VN-Index vốn đang “mong manh”, chỉ cần hai ngày bị nước ngoài bán ròng mạnh, đã tiệm cận mốc 560 điểm.

Năm nay câu nói “sell in May and go away” (bán cổ phiếu tháng 5 và đi nghỉ) dường như đã đến sớm hơn thường lệ. Những dự báo ảm đạm về giá dầu thô quốc tế, sự mất giá của các ngoại tệ mạnh, sự rút vốn của nước ngoài, biến động lãi suất và tỷ giá... tất cả đang cùng nhau “đè” VN-Index. Mong mỏi của các nhà làm chính sách, của các bộ, ngành kỳ vọng VN-Index về 700 điểm đang bị khối ngoại “làm phiền”. Tuy nhiên, ngay cả khi không có ảnh hưởng nhân tố ngoại, nội lực mà cụ thể là dòng tiền vào chứng khoán cũng vẫn đang yếu dần.

ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HÀ NỘI
CÔNG TY LUẬT TNHH AN PHÚ
  Add: Trụ sở: Phòng 315, tầng3, Số nhà 33, ngõ 30, phố Hoa Lâm, phường Việt Hưng, quận Long Biên, thành phố Hà Nội
  Phone(024) 625 707 13 – Fax: (024) 625 707 15
VPGD: Số nhà 1 ngõ 5 phố Lý Nhân Tông, khu phố Đền Rồng, Phường Đình Bảng, Thị xã Từ Sơn, Tỉnh Bắc Ninh.
  Phone0967 566 878
  Hotline:  0904.226.799 | 0388.477.456 | 0989.981.169
  Website: http://anphulaw.com
  Email:  luatanphu@gmail.com
CÁC GIẢI THƯỞNG
LIÊN KẾT VỚI CHÚNG TÔI
ĐĂNG KÝ HỖ TRỢ PHÁP LÝ
ĐĂNG KÝ HỦY BỎ
Copyright 2015 anphulaw.com. ALL RIGHTS RESERVED.. Ghi rõ nguồn khi bạn phát hành thông tin từ website này