Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 10 ngày 27 tháng 11 năm 2015, sau đó được sửa đổi, bổ sung ngày 20 tháng 6 năm 2017 và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2018. BLHS có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật, chống mọi hành vi phạm tội; giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm (Điều 1). Quá trình thi hành BLHS trên thực tiễn, tôi thấy đa phần quy định của BLHS năm 2015 có nhiều tiến bộ hơn so với BLHS năm 1999, đảm bảo quyền công dân, quyền con người, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt ưu điểm thì khi áp dụng quy định của BLHS năm 2015 cũng còn gặp khó khăn, vướng mắc nhất định, cụ thể đó là quy định về tội Gây rối trật tự công cộng tại Điều 318 BLHS năm 2015 khi áp dụng thực tế còn có những cách hiểu, vận dụng chưa thống nhất giữa những người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng mà hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn, cụ thể như sau.

            1. Cơ sở (căn cứ) pháp lý của tội Gây rối trật tự công cộng

Cơ sở pháp lý của tội Gây rối trật tự công cộng quy định tại Điều 318 BLHS năm 2015:

1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;

c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;

d) Xúi giục người khác gây rối;

đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;

e) Tái phạm nguy hiểm”.

Điểm mới về tội Gây rối trật tự công cộng tại Bộ luật hình sự năm 2015 so với BLHS năm 1999.

Trước tiên, chúng ta có thể hiểu đơn giản hành vi “Gây rối” trong tội Gây rối trật tự công cộng là việc: gây náo động, hò hét gây mất trật tự ở những nơi công cộng như ngoài đường phố, khu dân cư, công viên…. Hành vi này gây nên sự xáo trộn, hoảng sợ cho những người xung quanh; làm rối loạn hoạt động nơi công cộng. Có thể thấy, đây được xem như là một trong các tội phạm diễn ra rất phổ biến trong cuộc sống hằng ngày. Và mặt khác, người phạm tội thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng với lối cố ý. Tuy nhiên, điều đáng nói mà tôi muốn đề cập trong bài viết này là việc BLHS năm 2015 đã có quy định thay đổi nhất định về cấu thành của tội Gây rối trật tự công cộng so với BLHS cũ 1999. Cụ thể:

Bộ luật hình sự năm 1999

Bộ luật hình sự năm 2015

Điều 245. Tội gây rối trật tự công cộng

1. Người nào gây rối trật tự công cộnggây hậu quả nghiêm trọnghoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có dùng vũ khí hoặc có hành vi phá phách;

b) Có tổ chức;

c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;

d) Xúi giục người khác gây rối;

đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

Điều 318. Tội gây rối trật tự công cộng

1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hộihoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;

c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;

d) Xúi giục người khác gây rối;

đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;

e) Tái phạm nguy hiểm.


          Như vậy, có thể thấy yêu cầu về hậu quả để cấu thành tội Gây rối trật tự công cộng giữa BLHS năm 1999 và BLHS năm 2015 đã có sự thay đổi:

           - BLHS năm 1999: Việc gây rối trật tự công cộng phải “gây hậu quả nghiêm trọng”. Và tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng” được hướng dẫn cụ thể trong tiểu mục 5.1 cuả Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn Điều 245 BLHS năm 1999 như sau:

           “5.1. Hành vi gây rối trật tự công cộng mà để hậu quả xảy ra thuộc một trong các trường hợp sau đây bị coi là "gây hậu quả nghiêm trọng" và phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 245 Bộ luật Hình sự:

a. Cản trở, ách tắc giao thông đến dưới 2 giờ;

b. Cản trở sự hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân;

c. Thiệt hại về tài sản có giá trị từ mười triệu đồng trở lên;

d. Chết người;

đ. Người khác bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật từ 31 % trở lên;

e. Nhiều người bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 31%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 41% trở lên;

g. Người khác bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30% và còn thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm triệu đồng trở lên;

h. Nhiều người bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 21%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 30% đến 40% và còn thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm triệu đồng trở lên.

Ngoài các hậu quả xảy ra về tính mạng, sức khoẻ và tài sản được hướng dẫn trên đây, thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất như có ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, ngoại giao, đến trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra có phải là nghiêm trọng hay không.”

- BLHS năm 2015: Việc gây rối trật tự công cộng phải “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Hiện nay, chưa có văn bản nào hướng dẫn hay quy định cụ thể như thế nào là “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”. Tuy nhiên, với nội hàm câu chữ, ngữ nghĩa thì có thể thấy, BLHS năm 2015 đã có quy định đối với hậu quả hành vi phạm tội của tội Gây rối trật tự công cộng nhẹ hơn so với BLHS năm 1999. Do vậy, cấu thành tội Gây rối trật tự công cộng theo BLHS năm 2015 chỉ cần gây ảnh hưởng xấu mà chưa cần dẫn đến việc gây hậu quả nghiêm trọng thì đã được xem là tội phạm. Có thể xem việc gây: hoang mang lo sợ đến trật tự trị an hay làm xáo trộn trật tự nơi công cộng,… đã được xem là ảnh hưởng xấu rồi và người thực hiện hành vi đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 318 BLHS năm 2015.

2. Một số kiến nghị, đề xuất

Trên cơ sở nghiên cứu nội hàm của tội Gây rối trật tự công cộng và thực tiễn áp dụng khi xử lý loại tội phạm này, tôi thấy cần kiến nghị, đề xuất một số nội dung như sau:

- Một là, trong nội dung Điều luật Gây rối trật tự công cộng mới chỉ quy định gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”, còn như thế nào là ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội đến nay chưa có văn bản nào quy định. Đề nghị Viện kiểm sát cấp trên và Liên ngành tư pháp Trung ương có văn bản hướng dẫn để các cơ quan tố tụng địa phương áp dụng khi xử lý loại tội phạm này.

- Hai là, theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 318 BLHS năm 2015 về sử dụng “Hung khí” khi gây rối sẽ bị phạt từ 2 năm đến 7 năm tù. Tuy nhiên, hiện nay theo Pháp lệnh số 11/2011/UBTVQH ngày 30/6/2011 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (đang có hiệu lực thi hành) và sắp tới đến ngày 01/7/2018 được thay thế bằng Luật số 14/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì không có chỗ nào quy định như thế nào là hung khí. Qua xem xét tác giả chỉ thấy việc quy định thế nào là hung khí được hướng dẫn tại tiểu mục 3.1 mục 3 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn một số quy định của BLHS năm 1999: “3.1. Tình tiết "dùng hung khí nguy hiểm" quy định tại điểm a khoản 1 Điều 104 của BLHS năm 1999 là: “Dùng hung khí nguy hiểm" quy định tại điểm a khoản 1 Điều 104 của BLHS là trường hợp dùng vũ khí hoặc phương tiện nguy hiểm theo hướng dẫn tại các tiểu mục 2.1 và 2.2 mục 2 Phần I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17-4-2003 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”.

Tại tiểu mục 2.1 và 2.2 mục 2 Phần I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định:

2.1. Vũ khí là một trong các loại vũ khí được quy định tại khoản 1 Điều 1 Quy chế quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (ban hành kèm theo Nghị định số 47/CP ngày 12/8/1996 của Chính phủ).

 2.2. Phương tiện nguy hiểm là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (trong sản xuất, trong sinh hoạt) hoặc vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khoẻ của người bị tấn công.

a. Về công cụ, dụng cụ. Ví dụ: búa đinh, dao phay, các loại dao sắc, nhọn...

b. Về vật mà người phạm tội chế tạo ra. Ví dụ: thanh sắt mài nhọn, côn gỗ...

c. Về vật có sẵn trong tự nhiên. Ví dụ: gạch, đá, đoạn gậy cứng, chắc, thanh sắt...

2.3. Thủ đoạn nguy hiểm 1à thủ đoạn đã được hướng dẫn tại điểm 5.1 mục 5 phần I Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/ 12/2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV Các tội xâm phạm sở hữu của Bộ luật Hình sự năm 1999. Ví dụ: Theo hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 2.2 mục 2 Phần I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17-4-2003 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì dao nhọn là phương tiện nguy hiểm và đã được A sử dụng gây thương tích cho B thì thuộc trường hợp dùng hung khí nguy hiểm”.

Tuy nhiên, những hướng dẫn trên áp dụng cho BLHS năm 1999, đến nay BLHS năm 2015 chưa có văn bản nào hướng dẫn như thế nào là “Hung khí”. Đề nghị Viện kiểm sát cấp trên và Liên ngành tư pháp Trung ương hướng dẫn áp dụng điểm b khoản 2 Điều 318 BLHS năm 2015 về sử dụng “Hung khí”.

Để thực hiện nghiêm chỉnh chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp mà Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 đã đề ra là “coi trọng việc hoàn thiện chính sách hình sự và thủ tục tố tụng tư pháp, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội”, cũng như Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Thiết nghĩ Viện kiểm sát cấp trên và Liên ngành tư pháp Trung ương cần ban hành văn bản hướng dẫn Điều 318 BLHS năm 2015 về tội Gây rối trật tự công cộng để các cơ quan tư pháp địa phương xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật theo đúng tinh thần quy định tại Điều 3 BLHS năm 2015 là “Mọi hành vi phạm tội do người thực hiện phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật.

Nguyễn Văn Việt – Viện KSND huyện Yên Phong